Nghệ An:
Ghi nhận từ vùng tâm dịch
(Dân trí) - Mùa biển lặng chớm vào đông, những cơn gió lạnh đầu mùa đã tràn về, càng làm cho Quỳnh Phương, xã dẫn đầu về con số người bị dịch tả và sốt xuất huyết, thêm u ám, nặng nề.
Tính đến thời điểm hiện tại (hết ngày 14/10) trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã có 54 trường hợp nghi nhiễm phẩy khuẩn tả, tăng thêm 10 trường hợp. Riêng xã Quỳnh Phương nhiều nhất, đã có thêm 3 trường hợp mới chỉ riêng ngày 14/10, nâng tổng số bệnh nhân của xã lên 42 người, trong đó có 18 ca được xác định có mẫu bệnh phẩm dương tính phẩy khuẩn tả. Chỉ có 13 trường hợp được điều trị tại Trạm y tế xã, số còn lại đang điều trị tại các phòng khám tư nhân.
Riêng tại địa bàn phường Nghi Thuỷ, TX Cửa Lò, nơi có một trường hợp bị tiêu chảy và xét nghiệm dương tính phẩy khuẩn tả, đến thời điểm này đã an toàn. Thế nhưng, theo ghi nhận của PV tại địa bàn phường này thì hầu hết mới chỉ là họp cán bộ, đề ra phương hướng đối phó với loại dịch bệnh này. Trong khi đó, một bộ phận người dân nơi đây chưa hề hay biết đang có dịch xảy ra trên địa bàn.
Về công tác điều trị cho các bệnh nhân, mặc dù cơ số thuốc điều trị đã được Sở Y tế và trung tâm y tế dự phòng cung cấp đầy đủ, thế nhưng nhiều bệnh nhân ở đây vẫn phải bỏ tiền túi ra mua?
Trao đổi về vấn đề này, bác sỹ Lơng cho biết thêm: “Mọi bệnh nhân mắc dịch tả đều được cung cấp thuốc miễn phí, kể cả những trường hợp không có thẻ bảo hiểm y tế. Còn đối với các bệnh nhân mắc SXH, những trường hợp nào không có thẻ bảo hiểm y tế thì không được cấp thuốc miễn phí mà phải bỏ tiền ra mua…!”
Bên cạnh đó, số người mắc bệnh SXH không ngừng tăng lên. Riêng trong ngày hôm nay trên địa bàn toàn huyện đã có thêm 47 trường hợp nhiễm bệnh sốt xuất huyết, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh lên 546 người.
Trong khi đó, công tác tuyên truyền cũng như phun thuốc khử trùng và xử lý môi trường vẫn chưa được chính quyền địa phương quan tâm, đẩy mạnh dù dịch đã xuất hiện hơn 1 tuần. Mới chỉ có 5 trên tổng số 11 thôn xóm của xã Quỳnh Phương được phun thuốc khử trùng, diệt muỗi.
| |
Ao tù nước đọng... |
Theo phản ánh của người dân trên địa bàn thì công tác phun thuốc được tiến hành chậm và rất qua loa, nhiều nơi chỉ phun cho có. Chị Lê Thị Chung ở thôn Tân Hải cho biết: “Những người phun thuốc chỉ vào nhà xịt qua quýt rồi ra”. Không riêng gì gia đình chị Chung mà nhiều gia đình khác cũng cùng chung chia sẻ trước việc cơ quan chức năng tắc trách trong việc phun thuốc khử trùng.
“Môi trường ở đây rất ô nhiễm, ruồi muỗi nhiều nhưng đợi mãi mà không thấy cơ quan chức năng đến phun thuốc khử trùng…”, anh Nguyễn Văn Sinh (thôn Hồng Hải, xã Quỳnh Phương) bức xúc nói.
| |
... hay cống rãnh ngập ngụa ngay trước cổng nhà cũng vẫn vô tư. |
Trao đổi với Dân Trí về việc chậm trễ trong khâu phun thuốc khử trùng, bác sỹ Lê Sinh Lơng, Trưởng khoa kiểm soát dịch bệnh, TT Y tế dự phòng huyện cho biết: “TT đã cử cán bộ giám sát máy phun. Thế nhưng chính quyền địa phương chưa tích cực trong việc hỗ trợ việc tiến hành phun thuốc”.
Ông Hồ Ngọc Hà, Phó chủ tịch UBND xã Quỳnh Phương cho rằng: “Đã tiến hành dẹp bỏ các chợ cóc và các quán ăn tập trung trên địa bàn. Thế nhưng do chưa dứt điểm nên chợ cóc vẫn ngang nhiên hoạt động tràn lan, không tuân theo quy tắc VSATTP. Đây là một trong những nguyên nhân làm phát tán vi khuẩn tả”.
| |
Mặc dịch tả hoành hành, thủy hải sản hay thịt chim quay vẫn đắt khách như thường. |
Ngoài các nguồn thực phẩm thì việc phun khử trùng cho khu vực sông Mai Giang bị nhiễm phẩy khuẩn tả vẫn là một vấn đề rất nan giải, chưa có phương pháp để đối phó. Trước mắt chính quyền chỉ khuyến cáo người dân không nên cho trâu, bò uống nước từ các dòng sông bị nhiễm dịch bệnh.
Do công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh chưa thực sự sâu rộng trong nhân dân nên ý thức của người dân trong việc phòng ngừa và điều trị cũng chưa cao. Điển hình có một số người bệnh khi phát hiện mắc bệnh đã không đến các trạm y tế mà đến các cơ sở y tế tư nhân điều trị nên việc kiểm soát dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Đây cũng là một nguồn phát tán dịch bệnh ra bên ngoài.
Duy Tuyên - Nguyễn Duy