Nghệ An: Dịch SXH tiếp tục hoành hành

(Dân trí) - Tin từ Sở Y tế Nghệ An, tính đến 18h ngày 16/10, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 888 ca SXH, tăng 46 ca. Bên cạnh đó, số người dương tính phẩy khuẩn tả đã tăng lên con số 31.

Trong số 888 ca SXH, huyện Hưng Nguyên có 92 người, Diễn Châu có 146 người và Quỳnh Lưu là 650 người. Đáng chú ý nhất vẫn là điểm nóng xã Quỳnh Phương, bệnh nhân SXH tiếp tục tăng thêm 46 người và nâng tổng số ca bệnh toàn xã lên 650 người.

 

Đến thời điểm này đã có 737 người được đưa về tại gia điều trị, số còn lại 151 người đang được điều trị tại trạm xá xã và bệnh viện. Bên cạnh đó, số bệnh nhân dương tính phẩy khuẩn tả cũng tăng lên đáng kể là 31 người. 

 

Để kềm chế sự lây lan của bệnh dịch, ngành y tế Nghệ An đã đẩy mạnh các biện pháp dập dịch và phòng ngừa ở các khu vực lân cận. Sở Y tế Nghệ An đã tăng cường bác sỹ cùng thuốc điều trị SXH, tiêu chảy cấp cho trạm xã và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác chữa bệnh tại nhà cho những bệnh nhân không đến trạm xá.

 

Trong cuộc họp khẩn chiều nay (16/10), lãnh đạo tỉnh Nghệ An giao cho UBND huyện chỉ đạo các ban ngành lập các chốt, trạm kiểm soát, kiên quyết không để vận chuyển hải sản ra khỏi địa bàn xã Quỳnh Phương và các xã lân cận. Đồng thời không để những người đang bị SXH và tiêu chảy cấp di chuyển ra khỏi vùng dịch.

 

Trước việc dịch SXH và dịch tiêu chảy vẫn tiếp tục hành hoành, bà Nguyễn Thị Phúc, GĐ Sở Y tế cho Dân trí biết: “Cái khó nhất hiện nay là nguồn nước sông Mai Giang và  con hàu nhiễm phẩy khuẩn tả. Bởi, nguồn nước sông này quá lớn và để xử lý nguồn nước này là hết sức nan giải…”. Trên thực tế, dòng sông Mai Giang chạy qua hàng chục xã của huyện Quỳnh Lưu nên chắc chắn đây là con đường lây lan mầm bệnh nhanh nhất.

 

Bà Phúc cũng cho biết thêm, để cùng địa phương (các ban ngành tỉnh Nghệ An - PV) trong công cuộc truy quét đại dịch này rất cần có sự trở giúp của Trung ương mà cụ thể là Bộ Y tế, Cục Y tế dự phòng và Viện dịch tễ T.Ư…

 

Theo bà Phúc, trước mắt giám sát các bệnh nhân sau khi điều trị khỏi bằng cách cử cán bộ đến tận gia đình có người bị bệnh thu gom phế thải (phân người) sau đó xử lý bằng hoá chất. Nếu làm theo quy trình này thì mới có khả năng giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh. 

 

Trong những ngày qua, Viện vệ sinh dịch tễ T.Ư cũng đã cử đoàn cán bộ xuống tận địa phương cùng với TT Y tế dự phòng, Sở Y tế… tổ chức điều tra mật độ kháng thuốc của muỗi, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm để đưa ra các giải pháp thích hợp nhằm xử lý dịch trước mắt cũng như lâu dài..

 

Nguyễn Duy

Dòng sự kiện: Nghe An: Dich ta va SXH