Nghệ An: Nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng

(Dân trí) - Đến 18h ngày 20/10, trên địa bàn toàn tỉnh đã có trên 1.047 ca SXH và 35 ca dương tính phẩy khuẩn tả. Như vậy, 2 loại dịch bệnh này vẫn tiếp tục tăng nhẹ và nguy cơ bùng phát trên diện rộng là điều có thể xảy ra.

Chỉ trong vòng gần 20 ngày (từ 3/10) dịch tả và SXH bùng phát tại địa bàn tỉnh Nghệ An (chủ yếu là huyện Quỳnh Lưu, ngoài ra thêm huyện Hưng Nguyên và Diễn Châu), tính đến thời điểm này (hết ngày 20/10 - PV) đã có 68 ca tiêu chảy cấp, trong đó có 35 bệnh nhân dương tính phẩy khuẩn tả.

 

Trong ngày hôm qua (20/10) Quỳnh Phương tiếp tục có thêm 21 ca SXH và nâng tổng số người mắc dịch bệnh này lên 797 toàn xã. Như vậy đến thời điểm này tổng số bệnh nhân SXH trên địa bàn toàn tỉnh là 1.047 ca.

 

Ngoài yếu tố thời tiết (mưa liên tục trong suốt những ngày qua) là sự chủ quan, xem nhẹ của người dân khiến cho đến nay, số người mắc bệnh vẫn ngày một tăng.

 

Mối nguy hiểm giờ đây không còn chỉ dừng lại ở Nghệ An mà nguy cơ sẽ lan rộng ra nhiều địa phương khác do nguồn nước sông Mai Giang chảy qua 7 xã của huyện Quỳnh Lưu đã bị nhiễm phẩy khuẩn tả. 4 xã trên dọc đường đi của nó đều có người mắc tiêu chảy cấp.

 

Theo dự đoán con số này sẽ còn tiếp tục tăng do nguồn nước đã bị ô nhiễm. Sự ô nhiễm một phần là do ý thức của người dân còn quá thấp trong việc phòng chống dịch.

 

Các cơ quan chức năng ở địa phương nhận định, phần lớn các hộ dân sống ven sông Mai Giang đều không có nhà vệ sinh. Toàn bộ chất thải được đổ trực tiếp xuống sông, kể cả chất thải của người bị tiêu chảy cấp. Hàng ngày, người dân nơi đây vẫn theo thói quen cũ là dùng nước sông cho sinh hoạt hàng ngày, mang các loại hải sản xuống sông rửa trước khi mang đi bán.

 

Do nguồn nước sông đã bị ô nhiễm nên các loại hải sản: cá, hàu, ngao đều có phẩy khuẩn tả. Mặc dù biết vậy nhưng người dân vẫn mua, vẫn ăn, thậm chí là ăn các loại hải sản tươi sống. Đáng lo ngại hơn là các nguồn hải sản này còn được trung chuyển đến các tỉnh lân cận.

 

Để tăng cường các biện pháp phòng chống dịch đạt hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng các ban ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Vinh khẩn trương triển khai một số nội dung công tác:

 

- Huy động các lực lượng ban ngành, đoàn thể và toàn thể nhân dân tham gia phòng, chống dịch bệnh Tiêu chảy cấp và dịch Sốt xuất huyết;

 

- Đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động nhân dân chủ động và tự giác thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đặc biệt là giữ vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy; đảm bảo ăn chín, uống chín, sử dụng thực phẩm an toàn.

 

- Phân công các thành viên Ban chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện tại cơ sở và các đơn vị.

 

- Tổ chức thực hiện công tác vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh và chiến dịch ra quân diệt bọ gậy, lăng quăng tại địa phương.

 

Đặc biệt tại các xã có ổ dịch cũ cần huy động các tổ chức đoàn thể, lực lượng học sinh và hướng dẫn cụ thể cho nhân dân thu lượm các phế thải đọng nước, vệ sinh các vật dụng đựng nước và thả cá vào giếng, bể đựng nước để tiêu diệt bọ gậy, không cho muỗi đẻ trứng và phát triển.

 

Theo đó Sở Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo: Tăng cường giám sát phát hiện ca bệnh kịp thời, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch; triển khai điều trị dự phòng cho người tiếp xúc theo chỉ định, không để dịch lan rộng và kéo dài; Các cơ sở điều trị bố trí khu vực cách ly, đảm bảo đủ dịch truyền, thuốc, hoá chất, trang thiết bị bảo hộ,... để điều trị kịp thời cho người mắc bệnh, không để bệnh nhân tử vong. Thực hiện điều trị miễn phí hoàn toàn cho các bệnh nhân Tiêu chảy cấp theo quy định của nhà nước;

 

Thực hiện nghiêm túc quy chế thông tin báo cáo dịch theo quy định tại Quyết định số 4880/QĐ-BYT ngày 06/12/2002 của Bộ Y tế. Yêu cầu Thủ trưởng các ngành, các cấp, các đoàn thể xã hội phối hợp chặt chẽ, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đạt hiệu quả.

 

Nguyễn Duy - Duy Tuyên

Dòng sự kiện: Nghe An: Dich ta va SXH