1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

F0 đã khỏi bệnh duy trì miễn dịch được bao lâu?

Nam Phương

(Dân trí) - Cơ thể thường sinh ra kháng thể với virus sau khi khỏi bệnh. Tuy nhiên, miễn dịch với SARS-CoV-2 không bền vững và chính xác miễn dịch kéo dài bao lâu thì đến nay chưa có câu trả lời rõ.

Kháng thể là các protein được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể để giúp bạn chống lại bệnh. Chúng được tạo ra sau khi bạn đã bị mắc bệnh hoặc đã được tiêm vắc xin. Các kháng thể có thể bảo vệ bạn khỏi bị bệnh trong một thời gian sau đó.

Miễn dịch với SARS-CoV-2 là miễn dịch không bền vững

Tương tự với Covid-19, sau khi mắc và khỏi bệnh, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể với virus. Theo các bác sĩ, bản thân miễn dịch SARS-CoV-2 không bền vững, kể cả mắc hay miễn dịch do tiêm vắc xin. Vì thế, khả năng bảo vệ lâu dài không có. Song chính xác miễn dịch kéo dài bao lâu đến nay các nhà khoa học chưa có câu trả lời chắc chắn.

F0 đã khỏi bệnh duy trì miễn dịch được bao lâu? - 1

Sau khi mắc Covid-19 khỏi bệnh, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể để bảo vệ trong một khoảng thời gian nhất định. 

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết kết quả của nghiên cứu Đánh giá khả năng miễn dịch và tái nhiễm SARS-CoV-2 - SIREN tại Anh cho thấy người từng mắc Covid-19 thì nguy cơ nhiễm lại virus giảm thấp hơn 83% so với người chưa từng nhiễm trong thời gian ít nhất là 5 tháng.

Ngoài ra, một số nghiên cứu khác cũng cho thấy diễn biến bệnh và tỷ lệ diễn biến nặng ở những người tái nhiễm cũng không khác biệt so với người mới nhiễm lần đầu.

"Cơ thể thường sinh ra kháng thể với virus sau khi khỏi bệnh. Nhưng cơ thể có giữ được mức độ kháng thể giúp bảo vệ cơ thể lâu dài hay không tùy theo từng loại virus và từng cá thể người bệnh", bác sĩ Cấp nhấn mạnh.

Hiện nay theo các hướng dẫn của Bộ Y tế Việt Nam, những người mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng thuộc nhóm trì hoãn tiêm vắc xin.

Theo CDC Hoa Kỳ, đến nay các nghiên cứu vẫn chưa biết được một người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh thì có thể được bảo vệ trong bao lâu để không mắc lại. Thậm chí, bằng chứng gần đây cho thấy mọi người được bảo vệ tốt hơn bằng cách tiêm vắc xin đầy đủ so với việc mắc Covid-19. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người chưa tiêm vắc xin từng mắc Covid-19 có nguy cơ mắc lại bệnh cao hơn gấp 2 lần so với những người được tiêm đầy đủ.

Tiến sĩ Soumya Swaminathan, chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sau khi mắc Covid-19 khỏi bệnh, mọi người sẽ có miễn dịch để bảo vệ, tuy nhiên điều này khác nhau ở mỗi người và nó phụ thuộc vào việc bạn mắc bệnh nhẹ hay nặng. Nhiều nghiên cứu hiện nay thậm chí chỉ rằng nếu bạn mắc bệnh rất nhẹ hoặc không có triệu chứng, thì ở nhiều người lượng kháng thể hình thành rất ít.

F0 đã khỏi bệnh duy trì miễn dịch được bao lâu? - 2

"Vì vậy, đây là lý do tại sao chúng tôi vẫn khuyến cáo ngay cả khi bạn đã mắc Covid-19, bạn vẫn nên tiêm vắc xin vì vắc xin sau đó đóng vai trò như một chất tăng cường hệ thống miễn dịch", TS Soumya Swaminathan nói.

Sau khi mắc Covid-19, bao lâu có thể tiêm vắc xin?

Theo TS Soumya Swaminathan, bạn có thể tiêm vắc xin ngay sau khi khỏi bệnh. Vì thế, bạn nên chờ đợi trong vài tuần trước khi đi tiêm để cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh khi đi tiêm.

Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa các quốc gia về thời điểm tiêm. Một số quốc gia khuyến cáo mọi người nên chờ đợi trong 3 tháng hoặc 6 tháng sau khi mắc bệnh. Và điều này là do bạn có miễn dịch tự nhiên giúp bảo vệ ít nhất trong thời gian dài đó. Và cũng bởi vì nguồn cung vắc xin ở nhiều quốc gia đang thiếu hụt, nên những người đã mắc bệnh phải đợi trong 3 hoặc 6 tháng.

Nhưng theo quan điểm khoa học và sinh học, bạn có thể tiêm vắc xin phòng ngừa ngay sau khi bạn đã bình phục hoàn toàn.

"Tại thời điểm này, chúng tôi không chắc chắn về mức độ chính xác của các kháng thể trung hòa giúp bảo vệ chống lại bệnh. Chúng tôi không khuyến nghị các cá nhân đi làm xét nghiệm kháng thể để xác nhận xem họ có miễn dịch hay không. Chúng ta phải đợi để có thêm dữ liệu", chuyên gia nhấn mạnh.

"Hiện tại, chúng tôi tin rằng tất cả các loại vắc xin trong danh sách sử dụng khẩn cấp từ WHO đều ngăn ngừa được bệnh nặng và nhập viện do tất cả các biến thể hiện có của virus SARS-CoV-2", chuyên gia WHO cho biết. 

Dù vậy chuyên gia này vẫn nhấn mạnh việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa cá nhân như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, giữ vệ sinh tay và tránh những nơi đông đúc cũng như các biện pháp giãn cách xã hội… là cần thiết nhằm giảm tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng.

Dòng sự kiện: Dịch Covid-19 đợt 4