1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đuổi theo tên cướp điện thoại, nữ sinh viên gặp tai nạn vỡ lách nguy kịch

Hoàng Lê

(Dân trí) - Bất ngờ bị cướp điện thoại, nữ sinh viên cùng bạn cố truy đuổi kẻ xấu thì bị tai nạn giao thông vỡ lách, tổn thương thận nguy kịch.

Đại diện Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) cho biết, vừa qua nơi đây đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân bị đa chấn thương nguy kịch vì tai nạn giao thông.

Bệnh nhân là một nữ sinh viên năm nhất tên T.L.D.K. (19 tuổi). Trưa cùng ngày, K. cùng bạn đang chạy xe trên đường thì bị cướp điện thoại. Khi cả 2 cố truy đuổi tên cướp thì xảy ra tai nạn giao thông, được người dân đưa vào bệnh viện. Lúc này, các bác sĩ khoa Cấp cứu đã hội chẩn với khoa DSA, Ngoại lồng ngực mạch máu, Ngoại tiêu hóa và cho chỉ định bệnh nhân chụp CT-scan toàn thân.

Kết quả CT-scan cho thấy bệnh nhân bị tràn khí máu màng phổi, chấn thương lách độ 4 (nặng nhất là độ 5), tổn thương thận độ 3, gãy di lệch xương bả vai trái. Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được đưa gấp vào phòng phẫu thuật để tiến hành dẫn lưu màng phổi. Riêng đối với tổn thương lách được can thiệp làm tắc mạch để cầm máu.

Đuổi theo tên cướp điện thoại, nữ sinh viên gặp tai nạn vỡ lách nguy kịch - 1

Bác sĩ thăm khám cho nữ sinh viên bị chấn thương vỡ lách nặng (Ảnh: BVCC).

Bác sĩ Nguyễn Minh Hiền, khoa Tim mạch can thiệp cho biết, quá trình phẫu thuật, ekip điều trị đã luồn các hệ thống ống thông nhỏ tiếp cận đến vị trí chảy máu, qua con đường từ vùng bẹn bên phải của bệnh nhân. Từ động mạch lách, bác sĩ chọn lọc những vị trí chảy máu để tắc mạch. Nhờ vậy, bệnh nhân vừa được cầm máu, vừa bảo vệ được các phần lách chưa bị tổn thương.

Sau 5 ngày nằm điều trị, bệnh nhân dần hồi phục sức khỏe, ăn uống, đi lại bình thường, được rút các hệ thống ống dẫn lưu tràn khí màng phổi và đã xuất viện.

Theo bác sĩ Hiền, trước đây bệnh nhân chấn thương vỡ lách nặng thường được mổ cấp cứu cắt lách. Từ 2015, đơn vị Can thiệp mạch máu cùng khoa Ngoại tiêu hóa của bệnh viện đã triển khai kỹ thuật làm tắc mạch lách bằng can thiệp nội mạch, để bệnh nhân không phải chịu cuộc mổ bụng lớn và quan trọng là giữ được lách, một cơ quan tạo máu và miễn dịch quan trọng của cơ thể.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm