Dưa chuột rất tốt nhưng "đại kỵ" với 3 nhóm người
(Dân trí) - Với bệnh nhân đau dạ dày, việc ăn dưa chuột lúc đói có thể làm cho cơn đau nghiêm trọng hơn. Chính vì thế, nếu bị lạnh bụng hoặc đau dạ dày thì không nên ăn loại quả này quá nhiều.
Dưa chuột có tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe và làm đẹp. Trong dưa chuột chiếm đến 90% là nước, đồng thời dưa chuột chứa hầu hết các vitamin, khoáng chất tự nhiên cần thiết cho cơ thể.
Có thể điểm qua một số dưỡng chất trong dưa chuột như: vitamin C, chất xơ, vitamin B1, vitamin B2, vitamin B3, vitamin B5, vitamin B6, folic acid, vitamin C, canxi, sắt, magie, phốt pho, kali, kẽm,… mà không phải loại thực phẩm nào cũng có được.
Với hàm lượng vitamin và khoáng chất đó, dưa chuột sẽ cực kỳ tốt để giảm cân, giải độc, ổn định huyết áp, giúp tiêu hóa tốt và đặc biệt tốt khi sử dụng làm đẹp da. Vì vậy ăn dưa chuột mỗi ngày sẽ là phương pháp tốt, hiệu quả và đơn giản để cung cấp dưỡng chất cho cơ thể.
Mặc dù là thực phẩm giàu dinh dưỡng, tuy nhiên cũng giống như những thực phẩm khác, nếu không biết cách sử dụng và ăn không đúng cách sẽ gây ngộ độc và nguy hiểm cho sức khỏe.
Những người có vấn đề về thận
Người gặp vấn đề về thận cần thận trọng khi ăn dưa chuột. Dưa chuột chứa một lượng lớn kali. Đây là một khoáng chất có thể gây ra tăng huyết áp và làm gia tăng công việc của thận.
Người bị suy thận hoặc các vấn đề liên quan đến thận nên hạn chế hoặc tránh tiêu thụ dưa chuột để duy trì sức khỏe thận tốt hơn, tránh cho việc thận bị quá tải.
Nghiên cứu từ Hiệp hội Sức khỏe Thận Hoa Kỳ (National Kidney Foundation) đã chỉ ra rằng, việc giảm lượng kali tiêu thụ có thể giúp kiểm soát huyết áp và làm giảm nguy cơ tổn thương thận.
Theo Đông y, dưa chuột là loại quả có tính lạnh, nếu tiêu thụ quá nhiều sẽ sinh ra đi tiểu nhiều thậm chí làm trầm trọng hơn các vấn đề về bài tiết nếu thận yếu.
Người có vấn đề về tiêu hóa
Dưa chuột có chứa một loại chất có tên là cucurbitacin E, có thể gây ra vấn đề về tiêu hóa cho một số người. Cucurbitacin E có khả năng gây viêm đường tiêu hóa và gây ra các triệu chứng như đau bên hông và tiêu chảy, với người có tiền sử bệnh đường tiêu hóa.
Nghiên cứu từ Trường Đại học Maryland đã chỉ ra rằng, cucurbitacin E có thể gây kích ứng cho một số người và dẫn đến vấn đề tiêu hóa. Người có tiền sử về bệnh tiêu hóa nên cân nhắc trước khi ăn dưa chuột hoặc tiêu thụ một lượng nhỏ để kiểm tra phản ứng của cơ thể.
Theo Đông y, với bệnh nhân đau dạ dày, việc ăn dưa chuột lúc đói có thể làm cho cơn đau nghiêm trọng hơn. Chính vì thế, nếu bị lạnh bụng hoặc đau dạ dày thì không nên ăn loại quả này quá nhiều.
Bên cạnh đó, chất cucurbitacin E trong dưa chuột rất khó tiêu, đặc biệt là đối với những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm. Tình trạng khó tiêu làm bạn bị đầy hơi và phù nề do cơ thể đang cố loại thải các độc tố, bằng cách tống đẩy lượng khí gas tích tụ bên trong ra ngoài.
Người có cơ địa dị ứng
Dưa chuột thuộc cùng họ với dưa hấu và có thể gây dị ứng hoặc quá mẫn đối với một số người. Dị ứng dưa chuột có thể dẫn đến các triệu chứng như sưng mặt, ngứa, và phát ban da.
Theo một nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu về dị ứng và bệnh thực phẩm Hoa Kỳ (Institute of Allergy and Infectious Diseases), người có tiền sử về dị ứng hoặc quá mẫn với dưa hấu cũng có nguy cơ cao hơn bị dị ứng với dưa chuột.
Lưu ý khi ăn dưa chuột để tốt cho sức khỏe
- Không dùng dưa chuột thay thế bữa ăn chính mà cần phải kết hợp với các thực phẩm giàu protein như: Ức gà, thịt bò, trứng, cá,… để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể.
- Nên đa dạng các món ăn từ dưa chuột như: ăn trực tiếp, làm dưa góp, làm detox hay nước ép để sử dụng mỗi ngày.
- Trung bình mỗi ngày bạn nên ăn tối đa 400g dưa chuột để đảm bảo cơ thể không bị đầy hơi, khó tiêu và ngộ độc.