TPHCM:
Đối tượng bán gia cầm lậu “sẵn sàng tấn công thanh tra”
(Dân trí) - Nhắn tin đe dọa, trực tiếp hành hung người thi hành công vụ nhưng chưa bị xử lý kiên quyết khiến các đối tượng buôn bán gia cầm “lờn thuốc”. Gia cầm lậu không được ngăn chặn triệt để, nguy cơ dịch bệnh từ các tỉnh tràn vào thành phố ở mức báo động đỏ.
Dịch cúm gia cầm đang hoành hành tại 14 địa phương trên cả nước đe dọa trực tiếp đến sức khỏe của người dân. TPHCM đang bị cúm gia cầm bủa vây khi các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng tàu đều có ổ dịch với những diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, là thành phố đông dân nhất cả nước nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm của người dân rất lớn. Một bộ phận không nhỏ dân cư hoặc ham rẻ hoặc thiếu ý thức trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình nên vẫn “liều mạng” sử dụng gia cầm lậu đang tạo điều kiện cho tình trạng buôn bán giết mổ gia cầm trái phép tồn tại.
Theo báo cáo của Chi cục Thú y thành phố, đến ngày 18/2 trên địa bàn còn 45 điểm tại 13 quận huyện xảy ra tình trạng kinh doanh buôn bán gia cầm trái phép, trong đó điểm nóng đang tập trung tại khu vực chợ Quang Trung cũ (thuộc phường Trung Mỹ Tây, quận 12) nhiều hộ kinh doanh gia cầm sống, giết mổ tại chỗ; đường Tân Sơn, Chợ Cầu quận Gò Vấp có 16 hộ kinh doanh, giết mổ gia cầm lậu với số lượng lớn, thuê cả ki ốt làm điểm tập kết hàng. Khu vực Cầu Sa huyện Hóc Môn gần như là một chợ gia cầm sống…
Đáng lưu ý hơn, các điểm này có quy mô lớn, đã tồn tại từ lâu, nhiều lần thanh tra phát hiện nhưng không thể xử lý triệt để được. Theo Chi cục Thú y, các đối tượng kinh doanh gia cầm lậu có nhiều cách đối phó, chúng thiết kế cửa kéo tại điểm tập kết hàng, bố trí người cảnh giới… khi thấy lực lượng thanh tra thì đóng cửa cố thủ, sẵn sàng tụ tập chống đối và tấn công người thi hành công vụ, tẩu tán tang vật. Cùng với đó, nhiều đối tượng buôn bán gia cầm cơ động trên xe hai bánh, bày vài con gia cầm bên ngoài nhưng người mua cần bao nhiêu cũng có.
Trên thực tế, nhiều cán bộ thú y tại trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức, quận 2, Bình Chánh khi thi hành nhiệm vụ đã bị các đối tượng buôn bán gia cầm hành hung, nhắn tin đe dọa… Tuy nhiên, đa số các đối tượng này là dân nhập cư rất khó xác định nhân thân gây khó khăn cho công tác xử lý.
Tăng đoàn kiểm tra ngăn chặn cúm gia cầm
Để tăng cường hiệu quả trong việc kiểm tra cử lý dứt điểm tình hình kinh doanh gia cầm sống trái phép trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra dịch cúm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân ngày 18/2 ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các ban ngành bố trí lực lượng chốt chặn thường xuyên, tập trung xử lý các điểm kinh doanh gia cầm trái phép.
Công an địa phương, cảnh sát khu vực phải phát huy vai trò, sẵn sàng phố hợp hỗ trợ các đoàn thanh kiểm tra, và kiên quyết xử lý không để tình trạng các đối tượng buôn bán gia cầm trái phép chồng người thi hành công vụ xảy ra.
Cùng với 4 đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống cúm gia cầm chốt chặn cố định tại các cửa ngõ, UBND TPHCM quyết định tăng thêm 3 đoàn liên ngành, tăng cường phối hợp kiểm tra tại khu vực giáp ranh các tỉnh thành, các chợ tạm, chợ tự phát… hạn chế tối ta việc chăn nuôi, vận chuyển giết mổ gia cầm không để bệnh cúm xâm nhập vào thành phố.
Liên quan đến “tin đồn” cúm gia cầm đã xuất hiện trên đàn gà thuộc xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y thành phố khặng định thông tin này là sai sự thật. “Trước nguy cơ cúm gia cầm có thể xâm nhập từ vùng giáp ranh giữa Củ Chi với tỉnh Tây Ninh, theo phản ánh của người dân về tình trạng gia cầm chết theo kênh Đông giạt về thành phố chúng tôi tiến hành kiểm tra và phát hiện 11 bao tải chứa gia cầm chết bị thả trôi sông. Chi cục thú y đã phối hợp với Cục thú y vùng VI lấy mẫu xét nghiệm thì phát hiện một ổ cúm H5N1 tại hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Ông Xuân Thảo khuyến cáo, để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng khỏi nguy cơ mắc cúm gia cầm người nội trợ tuyệt đối không mua gia cầm bệnh, thịt gia cầm hay sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc về chế biến thức ăn. Nếu người dân phát hiện tình trạng gia cầm bệnh, chết hàng loạt không rõ nguyên nhân cần kịp thời thông báo đến chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y gần nhất để có biện pháp khoanh vùng kiểm tra và xử lý kịp thời.
Tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các bộ ngành liên quan về công tác phòng chống cúm gia cầm (ngày 18/2) đại diện Bộ công an khẳng định, mọi hành vi vận chuyển buôn bán gia cầm trái phép, hoặc vận chuyển gia cầm vào ra vùng dịch đều có dấu hiệu tội phạm. Thời gian tới, ngành công an sẽ phối hợp chặt chẽ với các đoàn thanh kiểm tra liên ngành kiên quyết xử lý những đối tượng vi phạm. |
Vân Sơn