1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Dịch "hạ nhiệt", Hà Nội còn bao nhiêu F0 nặng, nguy kịch?

Minh Nhật

(Dân trí) - Sau khi đạt đỉnh với mức 32.650 F0/ngày, số ca mắc mới của Hà Nội đã liên tục hạ nhiệt. Kể từ ngày 26/3, F0 trong ngày tại Hà Nội đã giảm xuống dưới 10.000 ca/ngày.

Gần một tuần liền Hà Nội ghi nhận dưới 10.000 F0/ngày

Dịch hạ nhiệt, Hà Nội còn bao nhiêu F0 nặng, nguy kịch? - 1

Giai đoạn cuối tháng 2 đầu tháng 3, Hà Nội nhiều ngày liền ghi nhận trên dưới 30.000 ca Covid-19 mới. Đỉnh điểm là vào ngày 8/3, Thủ đô có thêm 32.650 F0 chỉ trong 24 giờ.

Tuy nhiên, sau khi đạt đỉnh, số ca mắc mới của Hà Nội đã liên tục hạ nhiệt. Kể từ ngày 26/3, F0 trong ngày tại Hà Nội đã giảm xuống dưới 10.000 ca/ngày.

Theo số liệu cập nhật tối 30/3, từ 18h ngày 29/3 - 18h ngày 30/3, Hà Nội ghi nhận 8.143 ca bệnh (2.186 ca cộng đồng; 5.957 ca đã cách ly).

Trong cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội ngày 25/3, Sở Y tế Hà Nội nhận định thành phố Hà Nội đã bước qua đỉnh dịch. Tuy nhiên, thành phố không được phép chủ quan mà cần tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch và theo dõi diễn biến trong thời gian tới.

0,1% F0 diễn biến nặng

Dịch hạ nhiệt, Hà Nội còn bao nhiêu F0 nặng, nguy kịch? - 2

Cụ thể, theo số liệu từ Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, cập nhật đến 30/3, Hà Nội có 200.830 bệnh nhân điều trị tại nhà, 156 bệnh nhân đang điều trị tại khu cách ly, 1.285 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.

Trong số các bệnh nhân đang điều trị có 904 F0 ở mức độ trung bình, 222 ca nặng, nguy kịch. Trong số các ca nặng nguy kịch có 194 ca phải thở oxy mask, gọng kính; 3 ca phải thở oxy dòng cao HFNC; 8 ca thở máy không xâm lấn; 17 ca phải thở máy xâm lấn.

Số bệnh nhân Covid-19 tử vong ghi nhận tại Hà Nội từ khi dịch bùng phát đến nay là 1.378 ca.

Số F0 phải nhập viện và F0 nặng, nguy kịch tại Hà Nội đang giảm dần trong thời gian gần đây. Hiện tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng, nguy kịch tại Hà Nội chỉ khoảng 0,1%.

Do số ca mắc F0 trên thực tế vẫn cao, Sở Y tế đề nghị các địa phương tập trung vào các mục tiêu cốt lõi của hoạt động phòng, chống dịch như kiểm soát chuyển tầng, tỷ lệ tử vong, chuyển nặng; đảm bảo số mắc không vượt quá năng lực tiếp nhận của hệ thống; đồng thời, chủ động thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Điều chỉnh biện pháp chống dịch linh hoạt

Dịch hạ nhiệt, Hà Nội còn bao nhiêu F0 nặng, nguy kịch? - 3

Ba tuần vừa qua, Hà Nội không thông báo cấp độ dịch đối với 579 xã, phường, thị trấn. Trước đó, cấp độ dịch bệnh là "kim chỉ nam" để chính quyền sở tại căn cứ điều chỉnh các biện pháp hành chính; mở lại hoặc hạn chế các hoạt động, dịch vụ.

Hiện tại hầu hết các hoạt động, dịch vụ cũng đã trở lại như bình thường.

BS Trần Văn Phúc (công tác tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội) nhìn nhận, đối với mỗi biến chủng, mỗi bối cảnh sẽ cần biện pháp phòng, chống dịch tương xứng.

Trước đó, khi chủng Delta xuất hiện trên địa bàn thành phố, việc "dán nhãn" xanh-vàng-cam-đỏ đã giúp Hà Nội "an toàn" với số ca mắc thấp, số lượng bệnh nhân nặng và bệnh nhân tử vong "chấp nhận được".

Tuy nhiên, khi Hà Nội bị tấn công bởi biến thể Omicron và biến thể Omicron "tàng hình" (có sức lây nhiễm gấp nhiều lần so với biến thể Delta) thì việc phân vùng cấp độ dịch đã không còn phù hợp.

"Do vậy, thành phố đã chuyển trạng thái chống dịch từ việc theo yếu tố nguy cơ sang hình thức đề cao biện pháp phòng vệ cá nhân. Ở quy mô toàn thành phố thì khống chế số ca nặng, số ca tử vong. Do không phải phân vùng theo màu nữa nên các hoạt động trở lại gần như bình thường" - bác sĩ Phúc lý giải.

Trong giai đoạn "mở cửa", Hà Nội yêu cầu các cơ quan tuyệt đối không chủ quan, lơ là; tiếp tục thực hiện đầy đủ, đồng bộ các quy định, biện pháp phòng, chống dịch; tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tiêm chủng; huy động lực lượng tham gia với lực lượng y tế cơ sở thực hiện hướng dẫn về điều trị F0 tại nhà, hạn chế tối đa số ca chuyển nặng, tử vong.

Thành phố cũng tập trung vào 3 hướng chính để kiểm soát dịch bệnh là: Tiêm vaccine; tăng cường năng lực điều trị tầng 2, tầng 3 và đẩy mạnh y tế cơ sở để quản lý, hỗ trợ F0 điều trị tại nhà.