Cơ thể "quá tải" sắt sẽ khiến lá gan bị phá hủy như thế nào?
(Dân trí) - Sự tích tụ quá nhiều sắt trong cơ thể, ở người mắc bệnh hemochromatosis, có thể gây ra những tổn thương gan nghiêm trọng.
Sắt là một khoáng chất thiết yếu cần cho sự sống và đóng vai trò quan trọng trong một loạt các quá trình sinh học của cơ thể. Khi không có sắt, cơ thể không thể tạo đủ hemoglobin và myoglobin. Do vậy, thiếu sắt có thể gây ra rất nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Tuy nhiên nếu lượng sắt trong cơ thể là quá nhiều, như trong bệnh hemochromatosis, thì không những sẽ gây nhiều bệnh nguy hại cho gan và các cơ quan khác, mà còn có thể gây chết người.
Hemochromatosis (hay còn gọi là bệnh huyết sắc tố) là một dạng rối loạn do có quá nhiều chất sắt tích tụ trong cơ thể. Căn bệnh này có tính chất di truyền và nếu không điều trị có thể gây tổn thương khớp và các cơ quan bên trong cơ thể, nghiêm trọng có thể dẫn đến tử vong. Hemochromatosis phổ biến ở Châu Phi, lưu vực Địa Trung Hải và Đông Nam Á.
Thông thường, ruột chúng ta chỉ hấp thụ một lượng sắt vừa đủ từ các loại thực phẩm khi ăn. Nhưng trong bệnh hemochromatosis, cơ thể hấp thụ sắt quá nhiều và không thể loại bỏ hết nguyên tố này. Vì vậy lượng sắt dư thừa sẽ được vận chuyển đến khớp và các bộ phận như gan, tim, và tuyến tụy để dự trữ. Điều này sẽ gây hại cho gan và các cơ quan khác. Nếu không điều trị kịp thời thì gan và các cơ quan nội tạng này có thể ngừng hoạt động.
Mặc dù hemochromatosis là những rối loạn liên quan đến di truyền nhưng các triệu chứng thường chỉ xuất hiện khi người bệnh 40 tuổi hoặc sau đó, do vậy rất khó phát hiện để điều trị bệnh kịp thời từ sớm. Hơn nữa, tuy hemochromatosis thường là bệnh do di truyền nhưng một số người vẫn có thể mắc phải khi được truyền máu hay gặp các vấn đề về máu, mắc bệnh gan hoặc nghiện rượu. Các triệu chứng thường không xuất hiện cho đến khi họ ở độ tuổi từ 40 trở lên. Điều này nghĩa là chất sắt trong cơ thể được tích tụ chậm trong suốt cuộc đời của người bệnh.
Theo các bác sĩ, nam giới có khả năng tích tụ sắt cao hơn, bởi phụ nữ có thể đào thải lượng sắt dư thừa qua máu trong kỳ kinh nguyệt hoặc khi mang thai.
Tiến sĩ Ravinder Pal Singh Malhotra, Giám đốc Trung tâm cấy ghép gan ở Delhi, Ấn Độ cho biết, khi nồng độ sắt trong máu cao sẽ gây tổn thương ở mọi mô và cơ quan trong cơ thể. Hemochromatosis có thể được điều trị để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, ngược lại, lượng sắt sẽ tiếp tục được lưu trữ và tích tụ trong cơ thể.
Theo thời gian, lượng sắt dư thừa sẽ tích tụ trong các cơ quan chính như tim, gan, tuyến tụy, tuyến yên và nếu không được loại bỏ, lượng sắt này sẽ gây bệnh cho các cơ quan trong cơ thể. Tiến sĩ Malhotra cũng cho biết thêm rằng trong giai đoạn muộn hơn của hemochromatosis, bệnh nhân có thể bị tiểu đường, mất ham muốn tình dục, suy tim và suy gan.
Gan là cơ quan chính trong lưu trữ sắt của cơ thể do đó gan có thể dễ dàng trở thành nạn nhân của tình trạng quá tải sắt. Gan to là một biến chứng thường gặp trong giai đoạn đầu của hemochromatosis. Gan to có thể dẫn đến xơ hóa gan, trong đó gan co lại do sẹo, rối loạn chức năng tế bào cũng như các tổn thương vĩnh viễn khác. Khi tổn thương lan rộng sẽ chuyển thành xơ gan. Các mô sẹo ở gan ngăn máu chảy qua gan khiến gan không thể hoạt động bình thường. Xơ gan nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy gan và ung thư gan.
Bệnh nhân xơ gan do huyết sắc tố di truyền có nguy cơ phát triển ung thư biểu mô tế bào gan cao hơn đáng kể và tỷ lệ sống sót sau khi cấy ghép gan thấp hơn. Vì vậy, chẩn đoán sớm và điều trị hemochromatosis là điều cần thiết để ngăn ngừa sự phát triển của xơ gan và giảm nguy cơ ung thư biểu mô tế bào gan.
Các chuyên gia cho rằng khám sức khỏe và xét nghiệm máu là cách hiệu quả để chẩn đoán và xác nhận bệnh hemochromatosis. Tuy nhiên vì bệnh là một rối loạn trên nhiễm sắc thể thường nên 80% bệnh sẽ di truyền cho thế hệ tiếp theo.