1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thanh Hóa:

Đầu tư 500 triệu đồng cho khu giết mổ an toàn thực phẩm tại huyện nhỏ

(Dân trí) - Để khắc phục tình trạng người dân giết mổ vật nuôi, kém chất lượng và bán ra thị trường, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) đã phối hợp cùng người dân đầu tư 1 khu giết mổ tập trung an toàn, 1 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, mô hình chợ an toàn thực phẩm....

Mặc dù nguồn thu ngân sách của một huyện miền núi là rất hạn chế, nhưng do ý thức được tầm quan trọng của công tác đảm bảo VSATTP đối với sự phát triển bền vững và sức khỏe của người dân, huyện Lang Chánh đã ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng các mô hình đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng được 1 khu giết mổ tập trung an toàn, 1 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn, mô hình chợ an toàn thực phẩm và đang tiếp tục triển khai xây dựng một số mô hình khác.

Lợn được kiểm tra trước khi giết mổ tại lò mổ của gia đình ông Hùng.
Lợn được kiểm tra trước khi giết mổ tại lò mổ của gia đình ông Hùng.

Cuối năm 2017, gia đình anh Phạm Mạnh Hùng ở bản Chiềng Trai đã mạnh dạn đầu tư khu giết mổ tập trung đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường, công suất giết mổ 25 con lợn mỗi ngày, đủ phục vụ nhu cầu cho 5 hộ kinh doanh giết mổ.

UBND huyện Lang Chánh đã chọn hộ gia đình anh Hùng để triển khai mô hình giết mổ gia súc, gia cầm đảm bảo an toàn thực phẩm. Mô hình này được tỉnh Thanh Hóa và huyện Lang Chánh hỗ trợ kinh phí sau nhiều nỗ lực cơ sở này đã được cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm vào tháng 2/2018.

Cụ thể, tổng kinh phí đầu tư khu giết mổ này là 500 triệu đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ của tỉnh là 150 triệu đồng, huyện Lang Chánh hỗ trợ 50 triệu đồng, còn lại là vốn của gia đình. Ngoài ra, thị trấn Lang Chánh còn hỗ trợ làm đường giao thông dẫn vào khu giết mổ.

Tổng kinh phí đầu tư lò giết mổ này là 500 triệu đồng, trong đó tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ 150 triệu đồng, huyện Lang Chánh 50 triệu đồng còn lại là vốn của gia đình.
Tổng kinh phí đầu tư lò giết mổ này là 500 triệu đồng, trong đó tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ 150 triệu đồng, huyện Lang Chánh 50 triệu đồng còn lại là vốn của gia đình.

Anh Phạm Mạnh Hùng chia sẻ: “Gia đình ông xây dựng lò giết mổ từ năm 2017 với diện tích 1.500 m2 theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại khu vực lò mổ, ông chia làm 2 khu gồm khu nhốt vật nuôi trước khi giết mổ và khu vực phòng mổ, đảm bảo vệ sinh... Hiện mỗi ngày lò mổ gia súc của gia đình ông Hùng mổ 22 con lợn, cung cấp thực phẩm cho Trường dân tộc nội trú Lang Chánh và bán cho tiểu thương ở các chợ”.

Bên cạnh đó, huyện Lang Chánh còn xây dựng thành công mô hình chợ đảm bảo VSATTP tại chợ thị trấn Lang Chánh. Chị Lê Thị Hương, chủ cửa hàng thịt lợn tại chợ thị trấn Lang Chánh cho biết: “Trước khi mổ, vật nuôi chị lấy về đều được kiểm dịch để đảm bảo an toàn thực phẩm, sau đó sản phẩm thịt gia súc, gia cầm được mang bán tại quầy hàng trong chợ”.

Được biết, huyện đề ra chỉ tiêu đến cuối năm 2018 có 11 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, 1 chợ, 3 cửa hàng, 4 bếp ăn tập thể và 2 xã, thị trấn đảm bảo tất cả các tiêu chí của vệ sinh an toàn thực phẩm.

Siết chặt quản lý

Trên địa bàn thị trấn Lang Chánh có 17 hộ gia đình kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm. Trước đây, tất cả hoạt động giết mổ đều diễn ra ngay tại các nhà dân, không đảm bảo các điều kiện về không gian, xử lý nước thải, rác thải, nên nguy cơ mất ATVSTP và ô nhiễm môi trường luôn hiện hữu.

Trong gần 2 năm 2017- 2018, Ban Chỉ đạo VSATTP huyện Lang Chánh đã phối hợp với Văn phòng điều phối VSATTP tỉnh Thanh Hóa mở 4 lớp về bồi dưỡng kiến thức về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho 285 người ở các xã trên địa bàn huyện.

Chợ an toàn thực phẩm tại huyện Lang Chánh.
Chợ an toàn thực phẩm tại huyện Lang Chánh.

Bên cạnh đó, UBND huyện Lang Chánh mở 5 lớp tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm cho cán bộ các phòng, ban, các xã, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Để phát hiện và xử lý kịp thời các cơ sở kinh doanh vi phạm an toàn thực phẩm, Ban chỉ đạo VSATTP huyện đã tiến hành kiểm tra 5 đợt đối với 254 cơ sở, từ đó phát hiện 15 cơ sở vi phạm và đã xử phạt với tổng số tiền gần 22 triệu đồng.

Đối với các cở sở kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ, trong gần 2 năm qua UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã kiểm tra 852 cơ sở kinh doanh, chế biến nhỏ lẻ, phát hiện 165 cơ sở không đạt yêu cầu về đảm bảo VSATTP.

Ông Lữ Đức Chung, Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho biết: “Thời gian tới, huyện thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm; đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý, giết mổ gia súc, gia cầm, tiến tới xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ, lẻ”.

Bình Minh