Đấu thầu thuốc bệnh viện: Nên tập trung hay tự chủ?

(Dân trí) - Trước băn khoăn của dư luận, tại sao hiện nay việc đấu thầu thuốc vẫn làm tập trung mà không trao quyền tự chủ cho các bệnh viện trong việc mua sắm thuốc, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã trả lời về vấn đề này.

Theo ông Đông, hiện nay đấu thầu thuốc tại các BV thực hiện theo hình thức đấu thầu tập trung theo luật đấu thầu. Việc mua sắm tập trung ở cấp quốc gia đã được nhiều nước áp dụng.

Theo Điều 44 luật đấu thầu, việc mua sắm tập trung được áp dụng trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ cần mua sắm với số lượng nhiều, chủng loại tương tự ở một hoặc nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc chủ đầu tư. Trên thực tế, việc đấu thầu tập trung đã giúp tiết kiệm được chí phí so với phương thức mua sắm cũ. Đến nay đã có 53/63 tỉnh, thành phố áp dụng có hiệu quả hình thức đấu thầu này.

Người bệnh đợi cấp phát thuốc BHYT tại BV Bạch Mai. Ảnh: H.Hải
Người bệnh đợi cấp phát thuốc BHYT tại BV Bạch Mai. Ảnh: H.Hải

Trước ý kiến cho rằng, việc tiết kiệm được từ đấu thầu thuốc tập trung là con số ảo, bởi lấy giá kế hoạch trừ đi giá trúng thầu, thì người ta có hoàn toàn có thể nâng giá kế hoạch lên mức nào cũng được, ông Đông khẳng định, điều này hoàn toàn không có cơ sở.

“Chúng ta làm việc phải căn cứ vào số liệu chứng minh. Thực tế tiết giảm khoảng được 30% chi phí mua thuốc của các cơ sở y tế qua việc đấu thầu tập trung. Kết quả này được thống kê trên cơ sở so sánh kết quả trúng thầu của các cơ sở y tế trong cả nước theo phương thức mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Cục Quản lý Dược đang áp dụng, đó là so sánh số tiền thực tế mua thuốc sử dụng ở 2 kỳ đấu thầu để mua cùng một loại thuốc với cùng số lượng sử dụng”, ông Đông nói.

Theo đó, ông Đông dẫn chứng, ví như trị giá tiền mua thuốc Levofloxacin 500mg/100mg năm 2012 ở 7 đơn vị là 5,249 tỉ đồng cho 36.563 viên thì trong năm 2013, với số tiền 5,613 tỉ đồng mua được đến 52.530 viên (tiết kiệm được 34,43%); Tiền mua kháng sinh Imipenem + Cilastatin (500mg + 500mg) năm 2012 là 4,948 tỉ/17.567 lọ, năm 2013 là 11,984 tỉ đồng/57.500 lọ (tiết kiệm 35,15% chi phí sử dụng)…

Như vậy rõ ràng việc áp dụng các quy định mới về đấu thầu, đặc biệt với đấu thầu tập trung cấp quốc gia và đàm phán giá cấp quốc gia có nhiều ưu điểm trong việc tiết kiệm thời gian, chi phí đấu thầu so với đấu thầu riêng lẻ, đồng thời đảm bảo được sự thống nhất về giá thuốc trúng thầu và tăng cường hiệu quả kinh tế của gói thầu do gói thầu lớn và thời hạn hợp đồng dài hơn.

Tuy nhiên đây là phương thức mới, cần có kinh nghiệm trong quá trình triển khai và việc bảo đảm nguồn cung ứng liên tục cho gói thầu tập trung lớn là những khó khăn so với việc tổ chức đấu thầu riêng lẻ.

Vì thế, Bộ Y tế đã phối hợp với các Bộ, các đơn vị liên quan để có lộ trình triển khai phù hợp theo từng giai đoạn, với mục tiêu đảm bảo đủ, liên tục nguồn cung ứng thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh. Theo đó trong giai đoạn đầu sẽ chỉ lựa chọn một số mặt hàng để triển khai và rút kinh nghiệm, sau đó sẽ nhân rộng. Trước mắt đối với đấu thầu tập trung cấp quốc gia sẽ lựa chọn các mặt hàng thuộc nhóm bệnh không lây nhiễm (NCD) chủ yếu là các bệnh mãn tính, phải sử dụng thuốc dài ngày, có chi phí điều trị cao (nhóm thuốc ung thư, tiểu đường, tim mạch.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngành y tế chủ trương tổ chức đấu thầu tập trung các mặt hàng thuốc, trang thiết bị y tế. Việc lập ra Trung tâm đấu thầu không phải là để Bộ Y tế đứng ra để đi mua sắm mà việc đấu thầu nhằm định ra mức giá chung, trên cơ sở đó các đơn vị tiến hành tự mua sắm thuốc, trang thiết bị…

Tú Anh