Đấu thầu thuốc giá rẻ: “Giẫm đạp” nhau về giá, cào bằng chất lượng

(Dân trí) - “Cơ chế đấu thầu thuốc hiện không phân biệt được chất lượng giữa doanh nghiệp có kỹ thuật cao với doanh nghiệp có kỹ thuật thấp. Các doanh nghiệp dược thay vì cạnh tranh nhau về chất lượng lại quay sang giẫm đạp nhau về giá để được trúng thầu”.

Đó là ý kiến của dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM (ngày 15/10) trong buổi làm việc với Ban kinh tế và Ngân sách Hội đồng Nhân dân thành phố về việc thực hiện chương trình phát triển ngành hóa dược trên địa bàn.

Doanh nghiệp dược đang… tự bơi

Theo dược sĩ Phong Lan, công nghiệp dược trên địa bàn thành phố đã được xác định là 1 trong 6 ngành công nghiệp mũi nhọn. Trên cả nước cho tới nay có 123 nhà máy sản xuất tân dược đạt chuẩn GMP và 4 nhà máy sản xuất vắc xin. Riêng trên địa bàn thành phố có 25 nhà máy sản xuất đạt chuẩn GMP (tiêu chuẩn WHO trở lên), như vậy thành phố đã chiếm hơn 20% trên tổng số các cơ sở sản xuất tân dược.

Nhiều doanh nghiệp dược được đầu tư công nghệ hiện đại
Nhiều doanh nghiệp dược được đầu tư công nghệ hiện đại

Nếu xét về quy mô, các nhà máy được đầu tư từ vài triệu cho đến hàng chục triệu USD. Các nhà máy được xây dựng tương đối đa dạng về loại hình, từ tư nhân đến cổ phần nhà nước, doanh nghiệp nhà nước chưa cổ phần hóa, liên doanh với nước ngoài, sản xuất nhượng quyền… Về kỹ thuật, các nhà máy sản xuất từ loại thuốc giản đơn nhất cho tới những công nghệ cao nhất như thuốc tái tổng hợp gen; công nghệ sinh học… Về mặt kinh doanh, thành phố tập trung 1.033 công ty phân phối, hơn 5.000 nhà thuốc, đại lý thuốc dùng cho vùng sâu vùng xa.

Tuy nhiên, trên thực tế việc đầu tư về hóa dược đang gặp nhiều khó khăn, nguyên liệu hóa dược còn rất hạn chế. Trong bối cảnh đó, bà Phong Lan cho rằng, thành phố cần tập trung vào những thế mạnh có giá trị gia tăng như nguyên liệu đi từ hợp chất thiên nhiên, lĩnh vực công nghệ sinh học cho ra những thuốc mới nhất để cung cấp cho thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu. Bên cạnh đó là các trang thiết bị, bao bì dược phẩm cần phải được đầu tư đúng mức.

Mặc dù được xem là ngành công nghiệp mũi nhọn của thành phố, song các vấn đề liên quan đến cơ chế để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Hiện các doanh nghiệp đang phải tự bơi, ai có vốn thì dùng, ai không có vốn thì đi vay kéo theo gánh nặng lãi suất.

Bà Phong Lan cho biết, các doanh nghiệp dược nằm ngay ở thành phố nơi tập trung nhiều dân cư, bệnh viện nhưng đầu ra cho các sản phẩm của ngành dược trong nước trở nên rất khó khăn. Nếu tính về mặt giá trị, tổng sản phẩm thuốc sản xuất trong nước mới chỉ đạt 50%  nhưng các mặt hàng thuốc trong nước có mức giá rẻ hơn thuốc ngoại nhập. Với khối điều trị, con số trung bình chung mới chỉ đạt 40% thuốc sản xuất trong nước và thay đổi theo hình tháp (thu nhỏ dần) từ bệnh viện hạng thấp đi lên bệnh viện hạng cao.

Thuốc chất lượng giá cả phải hợp lý

Theo phân tích của dược sĩ Phong Lan, cơ chế đầu thuốc giá rẻ đang gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư lớn vào sản xuất, đầu tư dây truyền hiện đại. Theo Thông tư 01 về đấu thầu thuốc đứng về mặt lý thuyết thì rất đúng, tất cả các loại thuốc đều phải vượt qua vòng kỹ thuật 70 điểm rồi mới đến vòng đấu giá. Nhưng thang điểm trên ai cũng đạt được, vô hình chung đây chẳng khác nào một đề thi không thể loại, lựa được thí sinh nên rất khó phân biệt được chất lượng giữa doanh nghiệp dược có kỹ thuật cao với doanh nghiệp có kỹ thuật trung bình hay kém chất lượng.

Giá thành cần phải song hành cùng chất lượng thuốc
Giá thành cần phải song hành cùng chất lượng thuốc

Khẳng định, vấn đề chất lượng cần phải có sự kiểm định của cơ quan chức năng, ý kiến bệnh viện, dược sĩ Phong Lan nhấn mạnh: “Tôi không vơ đũa cả nắm về việc thuốc rẻ là thuốc kém chất lượng nhưng trên thực tế thuốc rẻ thì rất khó có chất lượng tốt. Chúng ta đầu tư làm gì những nhà máy có dây truyền hiện đại đạt tiêu chuẩn GMP châu Âu rồi tiêu chuẩn FDA của Mỹ, Úc, Nhật Bản… nhưng tới hồi ra đấu thầu thì rớt hết. Ngay tại hệ thống các bệnh viện thành phố và những bệnh nhân có Bảo hiểm Y tế thì không được sử dụng thuốc của dây truyền sản xuất hiện đại trong nước”.

Theo bà Phong Lan, đây là một vấn đề lớn giữa giá và chất lượng thuốc. Ngành dược chỉ mong trong xây dựng chính sách cần thống nhất quan điểm phải có thuốc chất lượng nhưng giá cả hợp lý, bởi không thể có thuốc chất lượng mà giá rẻ. Chính yêu cầu giá rẻ nên các doanh nghiệp dược trong nước đang phải giẫm đạp lẫn nhau, các nhà máy đang sản xuất các sản phẩm trùng lắp thay vì đấu chất lượng họ quay sang đấu bằng giá để có thể trúng thầu vào được các bệnh viện.

Từ thực tế trên, bà Phong Lan đề nghị: “Thành phố cần có kiến nghị lên trung ương để có những sửa đổi cho phù hợp với thực tế trước khi quá muộn, bằng không nếu triển khai việc đấu thầu thuốc giá rẻ như hiện nay các doanh nghiệp dược làm ăn đàng hoàng sẽ bị lụi tàn, phá sản. Đến một lúc nào đó người tiêu dùng sẽ quay lưng lại với các thuốc sản xuất trong nước nếu họ quan niệm rằng hàng trong nước là không tốt”. 

Trước những ý kiến của dược sĩ Phong Lan, ông Nguyễn Văn Lâm Phó trưởng Ban kinh tế ngân sách Hội đồng Nhân dân thành phố cho biết, sẽ ghi nhận và nghiên cứu dựa trên tình hình thực tiễn của ngành dược để có những kiến nghị hợp lý lên trung ương trong việc điều chỉnh chính sách đấu thầu thầu thuốc cho phù hợp hơn đảm bảo sự hài hòa giữa giá cả và chất lượng thuốc.  

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm