1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đau ở lưỡi, bệnh nhân bàng hoàng phát hiện ung thư

Vân Sơn

(Dân trí) - Chỉ với biểu hiện đau cảm giác như xương cá đâm vào vùng lưỡi, bệnh nhân được phát hiện ung. Để chữa trị, bệnh nhân phải cắt toàn bộ lưỡi nhưng vẫn có cơ hội nói nhờ phương pháp tạo hình mới.

Nam bệnh nhân 72 tuổi được bệnh viện địa phương chuyển đến Bệnh viện Ung Bướu, TPHCM với chẩn đoán bị ung thư lưỡi. Thông tin từ người nhà bệnh nhân cho biết, ông có tiền sử hút thuốc lá. Nhiều tháng trước khi vào bệnh viện ông có biểu hiện đau ở vùng lưỡi cảm giác như bị xương cá đâm vào, tuy nhiên, ông không đến bệnh viện thăm khám. Thời điểm đến bệnh viện kiểm tra, lưỡi bệnh nhân đã bị loét một vùng rộng, rỉ máu, cơ thể sụt cân nhanh… 

Đau ở lưỡi, bệnh nhân bàng hoàng phát hiện ung thư - 1

Ung thư lưỡi là bệnh lý ác tính, nguy hiểm thường gặp ở vùng miệng

Kết quả thăm khám đánh giá cụ thể tại bệnh viện cho thấy người bệnh bị ung thư lưỡi với khối u lớn, tế bào ung thư đã lan vào hạch bạch huyết. Để điều trị triệt căn ung thư, các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ lưỡi và thanh quản cho người bệnh. Sau phẫu thuật, ông được tiến hành hóa trị tiêu diệt tế bào ung thư. 

Vượt qua được giai đoạn nguy hiểm đến tính mạng nhưng ông lại bị mất lưỡi hoàn toàn dẫn tới thường xuyên bị sặc khi ăn và mất khả năng ngôn ngữ. Để tìm lại chức năng cho người bệnh, các bác sĩ khoa Ngoại Đầu cổ - Hàm mặt, Bệnh viện Ung Bướu đã quyết định thực hiện phương pháp vạt cơ vùng đùi tái tạo lưỡi cho người bệnh. Sau khi được tái tạo lưỡi thành công, nam bệnh nhân đã ăn uống dễ dàng hơn, phát âm tương đối rõ giúp người nghe có thể hiểu được. 

Đau ở lưỡi, bệnh nhân bàng hoàng phát hiện ung thư - 2
Bệnh nhân ung thư lưỡi có thể bị cắt một phần hoặc toàn bộ lưỡi

Ung thư lưỡi là một bệnh lý ác tính rất nguy hiểm thường gặp ở vùng miệng-lưỡi. Trong giai đoạn đầu, triệu chứng của bệnh thường mơ hồ, và dễ bị bỏ sót. Chỉ khi bệnh đã diễn tiến nặng thì các triệu chứng mới rầm rộ. Do đó, bệnh nhân ung thư lưỡi thường được chẩn đoán ở giai đoạn muộn.

Nguyên nhân dẫn tới ung thư lưỡi vẫn chưa được khoa học xác định cụ thể, tuy nhiên một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ ung thư lưỡi thường gặp trên các bệnh nhân gồm: hút thuốc lá; uống nhiều bia rượu; nhai trầu; vệ sinh răng miệng kém; thiếu các vitamin A, D, E, thiếu sắt... hoặc các vi sinh vật có hại như virus HPV gây viêm dẫn tới phát sinh ung thư lưỡi.

Bác sĩ cho biết, những trường hợp ung thư lan rộng ở vị trí sàn miệng, lưỡi di động hoặc đáy lưỡi phải thực hiện phương pháp cắt gần toàn bộ hoặc toàn bộ lưỡi. Phẫu thuật viên thường phải cắt toàn bộ thanh quản dù cho ung thư không lan đến cơ quan này để tránh nguy cơ bệnh nhân bị sặc vào đường thở. Trước khi có những tiến bộ của kỹ thuật tạo hình, việc cắt toàn bộ lưỡi tàn phá nặng nề các chức năng nói và nuốt của bệnh nhân.

Đau ở lưỡi, bệnh nhân bàng hoàng phát hiện ung thư - 3
Tái tạo lưỡi cho người bệnh là phương pháp hiệu quả giúp bệnh nhân bảo toàn được chức năng nói và nuốt

Hiện nay, các phương pháp vạt tạo hình được lựa chọn, trong đó có vạt có cuống như vạt cơ ngực lớn, vạt trên đòn, vạt tự do như vạt cơ thẳng bụng và vạt đùi trước ngoài… các bác sĩ đã tái lập thành công lại thể tích lưỡi, tạo hình đủ lớn giúp bệnh nhân dễ dàng đẩy thức ăn khi nuốt, đồng thời bảo vệ đường thở, phục hồi chức năng nói.

Trong năm 2020 tại Bệnh viện Ung Bướu, TPHCM các bác sĩ đã thực hiện nhiều phương pháp tạo hình lưỡi bằng vạt đùi trước ngoài, vạt cánh tay ngoài mở rộng, vạt cơ ngực lớn… giúp hàng chục bệnh nhân tìm lại được chức năng nói và nuốt thức ăn, góp phần nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân bị ung thư lưỡi ở giai đoạn muộn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm