Ung thư lưỡi dễ nhầm với nhiệt miệng, làm gì để phòng bệnh?

Hà An

(Dân trí) - Ung thư lưỡi là bệnh ác tính, ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh. Bệnh dễ bị bỏ sót do nhầm với nhiệt miệng.

Ung thư lưỡi là u ác tính nguyên phát tại lưỡi, trong đó chủ yếu là ung thư biểu mô vảy (chiếm trên 95%) và là ung thư thường gặp nhất trong các ung thư vùng khoang miệng (chiếm 30-40%).

Ung thư lưỡi chủ yếu gặp ở nam giới trên 50 tuổi. Theo thống kê của Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ, trên toàn thế giới hàng năm có khoảng 263.900 ca mới mắc và khoảng 128.000 trường hợp tử vong. Vài năm gần đây số ca bệnh ung thư lưỡi tại Bệnh viện K Trung ương ngày càng gia tăng.

Ung thư lưỡi là bệnh có thể phát hiện và chẩn đoán sớm. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân ung thư lưỡi đến điều trị ở giai đoạn muộn ở nước ta còn cao.

Ung thư lưỡi dễ nhầm với nhiệt miệng, làm gì để phòng bệnh? - 1

Khi các tổn thương đã lan rộng, bệnh nhân phải phẫu thuật triệt căn (cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ lưỡi, tùy vị trí và kích thước khối u). Ở giai đoạn sớm có thể điều trị triệt căn bằng phẫu thuật, ở giai đoạn muộn hơn cần phải kết hợp điều trị phẫu thuật, xạ trị và hóa trị nhằm kéo dài thời gian sống và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Trong một số trường hợp ở giai đoạn muộn khi có chảy máu nhiều tại u phải phẫu thuật thắt động mạch cảnh ngoài để cầm máu.

Do đó mọi người cần thăm khám ngay khi thấy dấu hiệu bất thường như có một điểm nổi phồng lên với sự thay đổi màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc vết loét nhỏ, nhai nuốt mất cảm giác… để chẩn đoán, phát hiện bệnh và kết hợp nhiều phương pháp điều trị nhằm nâng cao hiệu quả.

Làmđể phòng bệnh ung thư lưỡi?

- Vệ sinh răng miệng nhẹ nhàng và đúng cách bằng bàn chải đánh răng và chỉ nha khoa mỗi ngày. Bạn nên thay bàn chải đánh răng 3 tháng một lần.

- Không hút thuốc lá, thuốc lào, hạn chế uống rượu là thói quen tốt bảo vệ bạn khỏi bệnh ung thư lưỡi và các bệnh ung thư khác. Nếu bạn đang hút thuốc lá, thuốc lào, hãy dừng ngay hôm nay.

Ung thư lưỡi dễ nhầm với nhiệt miệng, làm gì để phòng bệnh? - 2

- Luyện tập thể dục để kiểm soát cân nặng và tăng cường hệ miễn dịch sẽ giúp bạn tránh khỏi bệnh ung thư.

- Nên ăn nhiều hoa quả, các loại rau màu xanh đậm như rau cải, súp lơ xanh, trà xanh, đậu nành và cà chua giúp phòng chống ung thư. Hạn chế ăn các món chiên, nướng và thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, đồ muối, đồ hộp.

- Khám nha khoa thường xuyên mỗi năm 2 lần để phát hiện sớm ung thư lưỡi. Bạn cũng nên lấy cao răng 3 tháng một lần để giảm nguy cơ nhiễm trùng răng miệng, giúp phòng ngừa nhiệt miệng và ung thư lưỡi.

Chẩn đoán bệnh

Ung thư lưỡi được chẩn đoán dựa vào các triệu chứng trên nhưng quan trọng nhất là sinh thiết u để có thể xác định chính xác.

Ngoài ra người bệnh cần thực hiện một số xét nghiệm khác để chẩn đoán giai đoạn bệnh như: xét nghiệm tế bào học tại hạch cổ, chụp X-quang xương hàm dưới, X-quang tim phổi, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, cộng hưởng từ sọ não, xạ hình xương, PET/CT... để đánh giá tình trạng di căn.