Đậu nành có làm tăng nguy cơ ung thư?
(Dân trí) - Đậu nành được ví như "thịt không xương" vì có giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, vì nó có chứa isoflavone nên có ý cho rằng nó làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như ung thư vú…
Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành (như đậu phụ, nước tương, sữa đậu nành…) là thực phẩm phổ biến trong khẩu phần ăn của người Việt Nam. Đậu nành rất giàu dinh dưỡng. Trong 100g đậu nành cung cấp 400 kcal năng lượng, 34g chất đạm, 18,4g chất béo và các vi chất khác như canxi, magie, photpho, kẽm và một số vitamin nhóm B.
Đậu nành có nhiều đạm hơn thịt, nhiều canxi hơn sữa bò, nhiều lecithin hơn trứng. Đậu nành là một nguồn cung cấp protein có giá trị sinh học cao, chất xơ, kali và acid folic chất lượng cao. Nó cũng là nguồn cung cấp protein tốt, nhưng đậu nành lại không chứa cholesterol (do có nguồn gốc thực vật) và là nguồn cung cấp acid béo thiết yếu. Do đó sử dụng đậu nành rất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu.
Tuy nhiên, hiện nay có những tranh cãi về tác dụng của đậu nành và các chế phẩm từ đậu nành trong điều trị và dự phòng ung thư. Cụ thể, liệu đậu nành có làm tăng nguy cơ ung thư hay không?
Theo bác sĩ Bệnh viện K Trung ương, thực tế, isoflavone (hợp chất thực vật tự nhiên có trong đậu nành) có cấu trúc hóa học tương tự như estrogen trong cơ thể con người. Bởi vậy có giả thiết cho rằng các hợp chất này sẽ làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư liên quan đến estrogen như ung thư vú, ung thư buồng trứng… Nhưng isoflavones liên kết với các thụ thể estrogen của cơ thể theo cách khác và hoạt động khác nhau nên tác dụng trên cơ thể cũng khác nhau.
Một số nghiên cứu còn cho thấy isoflavone có thể "kích hoạt" các gen làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư và kích thích quá trình tự hủy của chúng ( "quá trình tự chết"). Các hợp chất này cũng có thể hỗ trợ khả năng chống oxy hóa của cơ thể và sửa chữa DNA, giúp bảo vệ chống lại bệnh ung thư.