Điểm danh 6 loại virus gây ung thư
(Dân trí) - Bệnh ung thư không lây nhiễm, tuy nhiên có một số loại virus nhất định có thể gây ung thư như virus viêm gan B, virus HPV…
Virus Epstein - Barr (EBV)
Virus này liên quan đến ung thư vòm mũi họng, ung thư hạch lympho. Các trường hợp ung thư này gặp nhiều ở các nước châu Á và châu Phi.
Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa hoa nhận thấy bệnh ung thư vòm họng có liên quan đến virus Epstein-Barr (EBV). Xét nghiệm kháng thể chống virus này tăng cao ở một số bệnh nhân ung thư vòm họng loại biểu mô không biệt hóa. Ngoài ra, ADN virus này có trong nhân các tế bào ung thư.
Virus viêm gan B, viêm gan C
Với ung thư gan, người ta đã xác định được nguyên nhân hàng đầu là do virus viêm gan B hoặc C. Đây là 2 loại virus gây nhiễm trùng mạn tính, được ví là "sát thủ thầm lặng" dẫn đến xơ gan và ung thư gan.
Trên 80% bệnh nhân ung thư gan là do tiến triển từ viêm gan virus B, khoảng 5% bệnh nhân ung thư gan được xác định là do virus viêm gan C.
Đáng nói, cả viêm gan B và viêm gan C đều diễn tiến hết sức âm thầm, thường khi bước vào giai đoạn nặng (xơ gan, ung thư gan) bệnh mới có những biểu hiện rõ ràng hơn.
Những người mắc viêm gan B có nguy cơ bị ung thư gan cao gấp khoảng hơn 200 lần so với người không mắc viêm gan B. Có khoảng 15-20% các trường hợp xơ gan do nhiễm virus viêm gan B biến chứng thành ung thư gan.
Hiện nay, chưa có văcxin phòng viêm gan C nhưng đã có văcxin phòng viêm gan B.
Virus gây u nhú ở người (Papiloma Human Virus - HPV)
HPV là nguyên nhân gây đến 70% ung thư tử cung ở nữ. Virus này lây truyền qua đường tình dục. Bệnh có tỷ lệ mắc cao ở phụ nữ có quan hệ tình dục sớm, đẻ nhiều hoặc có nhiều bạn tình.
Bình thường, HPV có hơn 100 type nhưng 14 type có nguy cơ cao gây ra loại ung thư này. HPV 16 và HPV 18 là 2 chủng có khả năng gây ung thư cổ tử cung cao nhất. Chúng được tìm thấy ở 70% trong tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung.
Người ta ước tính khoảng 80% phụ nữ có một lần nhiễm HPV trong suốt cuộc đời họ. Khoảng 50% trường hợp nhiễm HPV đó là nhóm nguy cơ cao gây ung thư.
Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP)
HP là loại vi khuẩn có vai trò quan trọng gây viêm loét dạ dày - tá tràng và ung thư dạ dày. Đây cũng là một loại ung thư khá phổ biến ở Việt Nam và một số nước châu Á khác.
Xoắn khuẩn HP có. Lẽ là loại vi trùng duy nhất sống được trong môi trường dạ dày nơi có đậm độ axit HCL rất cao với pH lúc đói đạt tới 2,5. Người ta đã nghiên cứu và thấy rằng HP chui sâu vào lớp nhầy của niêm mạc dạ dày đồng thời tiết ra các chất làm trung hòa axit HCL cũng như làm tan chất nhầy. Qua HCL, Pepsin và các men của HP cũng như các chất gây ung thư tiếp xúc trực tiếp với các tế bào lớp niêm mạc dạ dày gây tổn thương chúng.
Viêm teo niêm mạc, viêm niêm mạc dị sản túyp ruột là những tổn thương điển hình của niêm mạc dạ dày do HP gây nên. Một số tác giả coi viêm niêm mạc dạ dày dị sản túyp ruột là tiền ung thư.
Virus gây ung thư bạch cầu lympho T
Human T-lymphotropic virus type I và II (HTLV-I và HTLV-II) là retrovirus sợi đơn RNA lây nhiễm ở người, đã được phân lập và biết đến từ rất sớm. Gần đây, nhiễm virus gây ung thư bạch cầu lympho T người (HTLV) dần trở nên phổ biến, HTLV-I có liên quan đến bệnh ung thư tế bào T ở người lớn và một số bệnh về hệ thần kinh (2% - 4%) gây bệnh trên cá thể nhiễm virus. HTLV-II được cho rằng có liên quan đến một số bệnh ở tế bào lympho T, nhưng cơ chế gây bệnh vẫn đang được tìm hiểu.
Tuy nhiên, có thể nói, HTLV-I và HTLV-II có thể gây bệnh ở người. Và hằng năm, uớc tính khoảng 20 triệu người trên toàn thế giới bị nhiễm HTLV-I. Tương tự như HIV, HTLV có thể lây nhiễm qua nhiều con đường như: từ mẹ sang con qua việc cho con bú, quan hệ tình dục, và tiếp xúc với máu bao gồm truyền máu và các sản phẩm máu bị nhiễm bệnh hoặc dùng chung bơm kim tiêm. Trong đó, nhiễm qua đường truyền máu chiếm tỷ lệ rất cao (40% - 60%). Cả hai loại virus HTLV-I/II mặc dù hiếm, song cũng đã tìm thấy trong máu người cho máu ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Trường hợp nhiễm HTLV I/II hiếm gặp ở Việt Nam. Nhưng theo nhiều báo cáo, tỷ lệ này cao hơn ở nhóm người có nguy cơ cao (như tiêm chích ma túy). Do đó, từ những năm đầu thế kỷ 21, các đơn vị máu ở Việt Nam đã được sàng lọc HTLV I/II. Điều này giúp làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm qua truyền máu và cũng giúp kiểm soát khả năng lây nhiễm của HTLV I/II.