Dấu hiệu cảnh báo ung thư ở trẻ em

Hà An

(Dân trí) - Trẻ bị sốt cao dai dẳng, xanh xao, nhức xương toàn thân, đau đầu đặc biêt là nếu đau dai dẳng hoặc đau dữ dội... có thể là dấu hiệu cảnh báo bênh ung thư ở trẻ em.

Ung thư ở trẻ em chiếm chưa tới 1% tổng số bệnh ung thư được chẩn đoán mỗi năm. Tuy nhiên, tỷ lệ ung thư ở trẻ em đã tăng nhẹ trong vài thập kỷ qua.

Ung thư được hình thành khi các tế bào trong cơ thể bắt đầu phát triển ngoài tầm kiểm soát. Các loại ung thư phát triển ở trẻ em thường khác với ở người lớn. Nó không liên quan chặt chẽ đến lối sống hoặc các yếu tố nguy cơ từ môi trường.

Các khối u ở trẻ em có xu hướng đáp ứng tốt hơn với một số phương pháp điều trị như hóa trị.

Dấu hiệu cảnh báo ung thư ở trẻ em - 1

Các loại ung thư phổ biến ở trẻ em

Khác với người lớn, các loại bệnh ung thư thường xảy ra ở trẻ em là:

- Khối u não và tủy sống

- U nguyên bào thần kinh

- U nguyên bào thận

- Lymphoma

- Sarcoma

- U nguyên bào võng mạc

- Ung thư xương

Nguyên nhân gây ung thư ở trẻ em

Nguyên nhân gây bệnh của nhiều loại ung thư chưa được xác định rõ. Các bác sĩ hiếm khi biết tại sao người này bị ung thư và người kia thì không. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố làm tăng nguy cơ gây ung thư. Ở người lớn, yếu tố nguy cơ bao gồm hút thuốc, béo phì và các yếu tố môi trường.

Ở trẻ em, yếu tố nguy cơ rất khác nhau và thay đổi tùy loại bệnh, ít khi do một nguyên nhân cụ thể nào mà có sự tương tác phức tạp giữa biến đổi di truyền và các yếu tố môi trường. Người tiếp xúc với tia xạ liều cao, hóa chất như benzen… có nguy cơ bị ung thư cao hơn.

Một người có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ không có nghĩa là người đó sẽ mắc bệnh ung thư. Đa số mọi người có nhiều các yếu tố nguy cơ nhưng không tiến triển thành bệnh.

Một số dấu hiệu cảnh báo trẻ mắc ung thư

- Xanh xao, bầm tím hoặc chảy máu, nhức xương toàn thân

- Khối u hoặc hạch to, không đau, không sốt hoặc không có dấu hiệu nhiễm trùng khác

- Sụt cân không rõ lý do hay ho, sốt dai dảng hoặc khó thở, ra mồ hôi trộm vào ban đêm

- Có những thay đổi về mắt-đồng tử có màu trắng, lác mắt, mất thị giác, bầm tím da hoặc sưng quanh mắt

- Chướng bụng

- Đau đầu, đặc biêt nếu đau dai dẳng bất thường hoặc đau dữ dội nôn (nhất là lúc sáng sớm hay ngày càng tiến triển nặng hơn)

- Đau nhức xương hoặc tứ chi, sưng khớp không phải do chấn thương hoặc các dấu hiệu nhiễm trùng.

Nếu xuất hiện các dấu hiệu này, cha mẹ mẹ hãy đưa con đi khám để được tư vấn và phát hiện bệnh kịp thời.

Có thể phòng ngừa ung thư trẻ em được không?

Không giống như nhiều bệnh ung thư ở người lớn, các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống (chẳng hạn như hút thuốc) không ảnh hưởng đến nguy cơ bị ung thư của trẻ. Một vài yếu tố môi trường, chẳng hạn như tiếp xúc với bức xạ có liên quan đến nguy cơ ung thư ở trẻ em. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, tiếp xúc với bức xạ là không thể tránh khỏi, ví dụ như chụp X-quang, CT chẩn đoán.

Rất hiếm khi một đứa trẻ nhận gen di truyền mắc một loại ung thư nào đó từ cha mẹ. Trong những trường hợp như vậy, các bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật phòng ngừa trước khi ung thư có cơ hội phát triển. Vì thế, rất khó để có thể phòng ngừa ung thư ở trẻ em.