Dấu hiệu cảnh báo suy tuyến yên

Nam Phương

(Dân trí) - Suy tuyến yên là cấp cứu ngoại thần kinh hay gặp, cần được chẩn đoán chính xác và xử lý đúng. Biểu hiện bệnh trên lâm sàng rất đa dạng, đôi khi bệnh nhân chỉ đau đầu, khó chịu, biếng ăn, mệt mỏi…

Ngày 20/7, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) tổ chức khóa đào tạo liên tục dành cho bác sĩ và điều dưỡng chuyên ngành ngoại thần kinh - cột sống, trong đó có nội dung về chẩn đoán, xử trí suy tuyến yên. 

Suy tuyến yên là tình trạng tuyến yên hoạt động kém mức bình thường làm suy giảm lượng hormone tuyến yên được sản xuất và không đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Tuyến yên nằm ở vị trí vùng dưới đồi là cơ quan nội tiết rất quan trọng chỉ đạo hoạt động các tuyến nội tiết khác như tuyến giáp, tuyến thượng thận cũng như các cơ quan sinh dục sản xuất hormone.

PGS.TS Đồng Văn Hệ, Chủ tịch Hội Phẫu thuật thần kinh Việt Nam, cho biết, u tuyến yên là một trong bốn loại u trong sọ hay gặp nhất ngày nay.

30 năm trước, mỗi năm, Bệnh viện Việt Đức mổ chưa đến 20 ca u tuyến yên thì nay có gần 1.000 ca đến khám, điều trị. Trong đó, suy tuyến yên là một cấp cứu ngoại khoa cần được chẩn đoán chính xác và xử lý đúng thì mới có thể cứu sống được người bệnh.

Dấu hiệu cảnh báo suy tuyến yên - 1

PGS.TS Đồng Văn Hệ, Chủ tịch Hội Phẫu thuật thần kinh Việt Nam (Ảnh: Minh Quyết).

Theo nghiên cứu trên thế giới, gần 10% u tuyến yên có hiện tượng chảy máu, phần lớn là những tổn thương không thấy được trên lâm sàng nhưng khi sinh thiết, mổ thì có hiện tượng chảy máu. Biểu hiện bệnh rất kín đáo vì thế nhiều khi bác sĩ không phát hiện được. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy tuyến yên như chấn thương sọ não, khối u vùng hố yên, u tuyến yên chảy máu, hoại tử, phẫu thuật sọ não, xạ trị, suy tuần hoàn… Về cơ chế, khối u chèn ép gây giảm nuôi dưỡng, thiếu máu, gây co thắt mạch, thiếu máu (tụt huyết áp, ngừng tim...) cũng dẫn đến suy tuyến yên. 

"Về lâm sàng, suy tuyến yên có thể diễn biến vài giờ tới vài ngày. Những tổn thương hay gặp là nhìn mờ, lác mắt, sụp mi… Tuy nhiên, có những bệnh nhân chỉ đau đầu, khó chịu, biếng ăn, mệt mỏi, trong trường hợp này bác sĩ dễ bị bỏ sót. Một số biểu hiện khác nữa là tê bì vùng mặt, đau hố mắt, khô mắt, đau nửa mặt, cứng gáy…", PGS Hệ nói.  

Về điều trị, tùy theo nguyên nhân mà bác sĩ có hướng chỉ định phù hợp. Chẳng hạn nếu suy tuyến yên do khối u vùng tuyến yên, u tuyến yên, người bệnh có thể được chỉ định điều trị nội hoặc mổ.

Điều đầu tiên là bổ sung hormone bị thiếu, trường hợp suy tuyến yên nặng cần chỉ định mổ càng sớm càng tốt để giải phóng chèn ép, hồi phục chức năng tuyến yên. 

"Nhiều khi bệnh nhân chỉ cần rối loạn điện giải, rối loạn nội tiết mà chúng ta không bù kịp, bệnh nhân có thể tử vong", PGS Hệ nhấn mạnh. 

TS.BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, khóa đào tạo lần này là cơ hội để các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện có thể cập nhật nhanh các tiến bộ mới, hướng nghiên cứu mới của thế giới trong chẩn đoán, điều trị. Cập nhật kiến thức để bác sĩ có thể áp dụng ngay trong thực tế các xu hướng điều trị mới nhất, đặt ra mục tiêu phấn đấu. 

Chủ đề về cấp cứu thần kinh - cột sống lần này nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng tăng của người dân. Tại Bệnh viện Đức Giang, những năm gần đây tỷ lệ người bệnh đến cấp cứu do tai nạn giao thông, đột quỵ… đều tăng.