1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

"Đắp tai" cho bé trai 5 tuổi mắc dị tật tai nhỏ

Tú Anh

(Dân trí) - Bé N.B.N. (5 tuổi) mắc dị tật teo lép nửa mặt phải, dị tật tai nhỏ bẩm sinh. Với dị tật này, cậu bé luôn thu mình vì mặc cảm. Các bác sĩ đã tạo hình tai mới thành công, bơm mỡ chữa mặt teo lép cho bé.

Ngày 14/6, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt - Tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, vừa thực hiện thành công tạo hình tai cho bé mắc hội chứng tai nhỏ, teo mặt bẩm sinh qua một thì phẫu thuật.

Bé N.B.N. (5 tuổi) mắc dị tật teo lép nửa mặt phải kèm theo dị tật tai nhỏ bẩm sinh. Bệnh nhân đã được khám và tư vấn nhiều nơi nhưng chưa điều trị. Bởi với kỹ thuật tạo hình tai bằng sụn sườn, bệnh nhân sẽ phải mổ từ 2-4 lần, và phải chờ đến khi bé 10-12 tuổi, khi lồng ngực đủ lớn và đủ sức khỏe mới có thể thực hiện ca phẫu thuật.

Đắp tai cho bé trai 5 tuổi mắc dị tật tai nhỏ - 1

Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật cho bệnh nhi (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Trong khi đó, với dị tật teo lép nửa mặt, bệnh nhi sẽ cần đến phẫu thuật cắt chỉnh xương hàm để điều trị, đây cũng là một phẫu thuật lớn kèm nhiều nguy cơ biến chứng. Vì thế, gia đình vẫn chưa quyết định điều trị cho trẻ.

Khi đến Bệnh viện Việt Đức khám, các bác sĩ quyết định ứng dụng kỹ thuật tạo hình tai nhỏ bằng sụn nhân tạo Medpor và sau đó ghép mỡ tự thân giàu tế bào gốc để bù thể tích mặt teo lép.

Chuyên gia này cho biết thêm, với kỹ thuật tạo hình tai một thì bằng khung sụn nhân tạo có ứng dụng nội soi và vi phẫu thuật, các bác sĩ đã thực hiện thành công hàng trăm ca tạo hình tai nhỏ sớm, một thì cho các bé 4-5 tuổi.

"Việc can thiệp được từ lứa tuổi nhỏ giúp trẻ không chịu áp lực về mặt thẩm mỹ và tâm lý", PGS Hà nói.

Với bệnh nhi này có thêm dị tật teo lép nửa mặt được các bác sĩ chỉ định phương pháp bơm mỡ tự thân giàu tế bào gốc, có tỷ lệ thành công cao mà có thể giảm thiểu các nguy cơ biến chứng nặng nề so với các phương pháp phẫu thuật khác.

Đắp tai cho bé trai 5 tuổi mắc dị tật tai nhỏ - 2

Tai bệnh nhi được tạo hình thành công chỉ qua một lần phẫu thuật (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Theo PGS Hà, với các tổn thương bệnh lý teo lép nửa mặt hiện nay có nhiều phương pháp điều trị với nhiều ưu, nhược điểm khác nhau.

Phương pháp chuyển vạt cân mỡ vi phẫu có thể mang đến khối lượng mỡ nhiều ngay lập tức, nhưng phần mỡ này thường phân bố không đều, ca mổ vi phẫu thường kéo dài nhiều tiếng đồng hồ với nhiều nguy cơ biến chứng.

Các phương pháp kéo giãn xương hàm mặt đáp ứng được nhu cầu gia tăng kích thước phần xương nhưng ít thay đổi được phần mềm da mỡ che phủ, cần phẫu thuật can thiệp xương nhiều lần nên cũng nhiều nguy cơ và biến chứng.

Phương pháp bơm mỡ tự thân kinh điển giúp vùng khuyết lõm được làm đầy, nhưng nhược điểm là lượng mỡ bơm vào thường bị tiêu ngót sau đó, có lúc teo mất 60-80% thể tích được bơm vào, người bệnh thường phải bơm mỡ nhiều lần.

Trong khi đó, kỹ thuật bơm mỡ giàu tế bào gốc nâng cao tỷ lệ thành công, giảm số lần phẫu thuật cho người bệnh.

"Kỹ thuật ghép mỡ giàu tế bào gốc cũng được ứng dụng trong các trường hợp bất đối xứng khuôn mặt, trẻ hóa da mặt hay cả trong thẩm mỹ tạo hình đường viền khuôn mặt như má hóp, thái dương teo lép, làm đầy trán và trẻ hóa bàn tay...

Ngoài ra các bất cân xứng trên cơ thể như mất cân đối ngực, bất đối xứng 2 mông, hõm khuyết 2 bên hông thì phương pháp bơm mỡ giàu tế bào gốc cũng là một chỉ định lý tưởng, nhẹ nhàng, không cần phẫu thuật lớn, không cần đặt thêm Implant, tránh được các biến chứng nặng nề.

Mỡ tự thân còn là chất liệu sinh học nên tương thích hoàn toàn và do đó rất ít nguy cơ thải loại hoặc nguy cơ biến chứng hơn nhiều so với các chất làm đầy filler.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm