Đang có 7 bệnh nhân Covid-19 nguy kịch, nguy cơ tử vong cao

Nam Phương

(Dân trí) - Theo thống kê tại các bệnh viện hiện có 20 trường hợp mắc Covid-19 nặng với 3-4 bệnh nền đi kèm, trong đó có 7 ca tiên lượng nguy kịch, có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình và bảo vệ mọi người.

Chiều 18/8, Bộ Y tế họp hội chẩn trực tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19 với các chuyên gia đầu ngành và điểm cầu của một số bệnh viện. 

Theo TS Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết Việt Nam ghi nhận 989 ca mắc Covid-19, có 520 trường hợp đã được chữa khỏi, 25 ca tử vong. Hiện còn lại 469 bệnh nhân điều trị tại hơn 20 cơ sở khám, chữa bệnh. 

Trong số này có 20 trường hợp tiến triển rất nặng với 3-4 bệnh nền đi kèm như tim mạch, tiểu đường, suy tủy, thận nhân tạo… phải thở máy, chạy ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo). Cụ thể có 13 ca tiến triển rất nặng, 7 ca tiên lượng nguy kịch, nguy cơ tử vong cao. Các bệnh nhân nặng tập trung tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, Trung tâm Y tế Hòa Vang...

Đang có 7 bệnh nhân Covid-19 nguy kịch, nguy cơ tử vong cao - 1

BN416 diễn biến nặng khá giống với bệnh nhân 91- phi công người Anh

Tại điểm cầu Trung tâm Y tế Hòa Vang, PGS.TS Đỗ Ngọc Sơn, Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đang hỗ trợ tại đây cho biết Trung tâm hiện có 10 bệnh nhân cần điều trị hồi sức, trong đó 5 trường hợp thở máy, nguy cơ phải thở máy kéo dài, sức khỏe kém. Trung tâm đã đề nghị Bệnh viện Bạch Mai cử chuyên gia dinh dưỡng giỏi vào hỗ trợ điều trị nâng cao thể trạng cho những bệnh nhân suy kiệt do phải nằm viện lâu ngày. Các bác sĩ cũng xin ý kiến các chuyên gia về tình hình điều trị đối với bệnh nhân 761 (83 tuổi). 

Trong khi đó tại điểm cầu Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, các bác sĩ cho biết đang điều trị 3 bệnh nhân nặng, trong đó có 2 bệnh nhân phải sử dụng ECMO (BN 416 và BN742). Bệnh nhân mắc Covid-19 đầu tiên tại Đà Nẵng (BN416) đang trong tình trạng nặng, chạy ECMO, nguy cơ nấm xâm nhập và phổi bệnh nhân khá cao. Qua phân tích các chuyên gia nhận thấy tình trạng của bệnh nhân này khá giống với ca bệnh 91.

Tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, hiện có 2 bệnh nhân nặng phải thở máy, trong đó một bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính hơn 10 năm và trên nền ung thư miệng.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cũng đang điều trị 3 bệnh nhân nặng, trong đó nặng nhất là BN812 được theo dõi sát.

Tại buổi hội chẩn các chuyên gia tập trung hội chẩn các ca bệnh nặng, diễn biến phức tạp, có nhiều bệnh lý nền, phải thở máy, ECMO... Các chuyên gia đề nghị các bệnh viện làm thông thoáng bệnh phòng và phòng làm việc của nhân viên y tế. Bên cạnh đó, tập trung vào kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, đảm bảo không khí được lưu thông. 

Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh vấn đề dinh dưỡng vô cùng quan trọng với bệnh nhân Covid-19 nặng giúp người bệnh nâng cao thể trạng, nhanh chóng được hồi phục sức khỏe tiến tới khỏi bệnh.

Trong đợt dịch này đã có khoảng 30 nhân viên y tế mắc Covid-19. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng nói chung và các bệnh viện trên cả nước cần đặc biệt quan tâm đến kiểm soát lây nhiễm, lau, khử khuẩn các bề mặt bệnh phòng, cầu thang, giường bệnh…

Đồng thời, bệnh viện cần lưu ý trang phục bảo hộ nhân viên y tế tại các cơ sở điều trị vì đã xuất hiện một số loại khẩu trang giống với khẩu trang N95 không đảm bảo an toàn phòng chống dịch...