Hà Nội còn hơn 18.000 người trở về từ Đà Nẵng chưa được xét nghiệm PCR

Nam Phương

(Dân trí) - Sở Y tế Hà Nội đề nghị tất cả những người dân từ Đà Nẵng trở về từ ngày 15 đến 29/7, chưa lấy mẫu xét nghiệm cần đến ngay các điểm lấy mẫu trên địa bàn.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong ngày 18/8, TP  tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm làm RT-PCR để loại trừ nguy cơ mắc bệnh Covid-19 cho những trường hợp trở về từ Đà Nẵng từ ngày 15 đến 29/7 tại 14 quận, huyện. Ngày 19/8 sẽ tổ chức lấy vét cho các trường hợp còn sót. 

Theo thống kê, đến nay, thành phố còn 18.333 người chưa được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR. Vì thế, Sở Y tế Hà Nội đề nghị những trường hợp trên cần đến ngay các điểm lấy mẫu xét nghiệm trên địa bàn để được làm xét nghiệm. 

Từ ngày 14-18/8, Hà Nội ghi nhận thêm 3 ca mắc Covid-19 mới trong cộng đồng gồm BN962 (tiền sử đi du lịch Đà Nẵng ngày 20-22/7, tiếp xúc với BN812), BN969 (là F1 của BN962) và BN979 (có tiền sử đi du lịch Đà Nẵng ngày 22-25/7, test nhanh trước đó âm tính).

Hà Nội còn hơn 18.000 người trở về từ Đà Nẵng chưa được xét nghiệm PCR - 1

Hà Nội tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm PCR sàng lọc SARS-CoV-2 cho người dân thủ đô trở về từ Đà Nẵng trong 2 ngày 18-19/8. Ảnh: Sơn Tùng.

2 trường hợp mắc Covid-19 sau hơn 20 ngày trở về từ Đà Nẵng

Điều đặc biệt cả hai trường hợp BN962 và BN979 đều đã qua 14 ngày (tính từ thời điểm trở về thủ đô từ Đà Nẵng). Riêng BN962 có thêm tiền sử ở cùng phòng với BN812 khi nhập viện tại Bệnh viện Thanh Nhàn, có mượn điện thoại của bệnh nhân này. 

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thì có khả năng BN962 lây bệnh từ BN812 vì như thế “mới hợp lý về logic về cơ chế bệnh lý kể cả về mặt dịch tễ”. Thời gian từ khi tiếp xúc với mầm bệnh, ủ bệnh đến khi phát bệnh là 12-13 ngày. 

Trường hợp BN962 có yếu tố Đà Nẵng (cũng đi Đà Nẵng từ ngày 20 đến ngày 22/7 về Hà Nội), ngày 3/8 sốt vào BV Thanh Nhàn. Thời điểm đó, xét nghiệm PCR của bệnh nhân này là âm tính và hết sốt, hết 14 ngày cách ly nên được cho về vào ngày 4/8. 

Ngoài ra, tính thời điểm trở về Hà Nội từ Đà Nẵng, BN979 cũng đã hết 14 ngày cách ly. 

Theo các chuyên gia, những trường hợp như trên cần phải điều tra thật kỹ tiền sử tiếp xúc, không chỉ ở Đà Nẵng mà còn tiếp xúc hàng ngày, từ đó mới có thể nhận định chính xác được. 

Trước đó trong giai 1 của đợt dịch, Hà Nội từng ghi nhận một trường hợp được phát hiện dương tính sau 23 ngày kể từ thời điểm bệnh nhân đến Bệnh viện Bạch Mai (được coi là ổ dịch khi đó). Nhiều người đặt ra câu hỏi liệu có phải bệnh nhân ủ bệnh đến 23 ngày.

Tuy nhiên, xét nghiệm kháng thể cho thấy bệnh nhân mới mắc Covid-19. Vì thế, có thể bệnh nhân lây nhiễm trong cộng đồng và nguồn lây không phải từ Bệnh viện Bạch Mai. 

Tương tự với trường hợp BN964 ở Quảng Nam phát hiện mắc Covid-19 sau một tháng trở về từ Đà Nẵng. Có ý kiến cho rằng có thể bệnh nhân bị lây bệnh tại Quảng Nam vì không chỉ Đà Nẵng, Quảng Nam cũng là vùng dịch. 

Thời gian ủ bệnh được tính từ lúc chắc chắn virus xâm nhập vào cơ thể - tiếp xúc với người bệnh sau đó bị bệnh. Tuy nhiên có thể tiếp xúc lần 1, virus chưa xâm nhập, tiếp xúc lần sau virus với vào cơ thể. Việc tính toán chính xác ngày nào virus tấn công là vô cùng khó. 

Khi một người tiếp xúc với rất nhiều người, cộng thêm một số ca mắc Covid-19 không có triệu chứng thì không thể biết chắc chắn người nào lây bệnh cho mình. Trừ khi bệnh nhân không tiếp xúc với ai khác, chỉ tiếp xúc duy nhất với một người này thì chắc chắn người đó lây cho mình. 

Hiện thế giới cũng chưa có khuyến cáo mới gì về thời gian ủ bệnh. Các nghiên cứu tổng kết đến thời điểm này (trên số lượng bệnh nhân lớn) cho thấy, thời gian ủ bệnh trung bình là 5-6 ngày, nhanh nhất là 2 ngày, chậm chất là 14 ngày. 

Một số nghiên cứu có chỉ ra rằng có thể thời gian ủ bệnh kéo dài nhưng đây kết quả từ một vài báo cáo nhỏ và cũng chỉ là những ca bệnh cá biệt. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới kết luận là không có cơ sở.