Đã có 10 bệnh viện trên cả nước bỏ hoàn toàn bệnh án giấy

Nam Phương

(Dân trí) - Với bệnh án điện tử, người bệnh không phải lo lưu trữ các loại giấy tờ, kết quả xét nghiệm; bệnh viện cũng không cần thuê kho lưu trữ hồ sơ bệnh án giúp tiết kiệm hàng tỷ đồng.

Chia sẻ bên lề cuộc thi Y tế thông minh lần thứ II, PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho biết, đến nay, 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện. Đáng chú ý, trong đó có 10 bệnh viện và 2 phòng khám đã thay thế 100% bệnh án giấy bằng bệnh án điện tử. Ngoài ra, có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim.

Với việc ban hành thông tư 46 về quy định hồ sơ bệnh án điện tử và thông tư số 54 ban hành bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Bộ Y tế là Bộ đầu tiên ban hành văn bản chuyển đổi số rất cụ thể tại một đơn vị, triển khai ứng dụng hồ sơ bệnh án điện tử, các bệnh viện hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý, cơ sở kỹ thuật để không dùng bệnh án giấy.

Đã có 10 bệnh viện trên cả nước bỏ hoàn toàn bệnh án giấy - 1
PGS.TS.Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế.

Theo PGS.TS Trần Quý Tường, việc triển khai bệnh án điện tử mang lại lợi ích rất to lớn cho người dân, bác sĩ và người quản lý.

Cụ thể, việc hướng đến xây dựng hệ thống mã số định danh cho bệnh nhân sẽ giúp người dân khám, chữa bệnh tại tất cả các cơ sở y tế, mà không cần phải đem theo các hồ sơ giấy tờ liên quan.

"Người bệnh không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm, không phải hoang mang khi đọc chữ viết của bác sĩ. Đồng thời dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm ở các đợt khám khác nhau để biết sức khỏe tổng quát của mình", PGS Tường nhấn mạnh.

Đồng thời, bệnh án điện tử giúp quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của người dân, giúp người dân chủ động hơn trong phòng bệnh và chữa bệnh.

Bệnh án điện tử giúp minh bạch các thông tin khám chữa bệnh

Với bác sĩ, bệnh án điện tử cùng với việc truyền tải dữ liệu giữa các bệnh viện nhanh chóng sẽ giúp việc xác định bệnh nhanh, chính xác hơn; tránh chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng trùng lặp như siêu âm, X-quang… Bác sĩ cũng dễ dàng tìm lại các thông tin của bệnh nhân, theo từng đợt điều trị, từ đó góp phần giảm thiểu sai sót y khoa, giảm thiểu thời gian hành chính chờ đợi, giảm phiền hà cho bệnh nhân. Thậm chí, bác sĩ có thể tư vấn cho người dân ở xa, nhờ xem hồ sơ bệnh án từ xa…

Bên cạnh đó, triển khai bệnh án điện tử cũng sẽ giúp các bệnh viện tiết kiệm chi phí làm bệnh án giấy, chi phí kho lưu trữ. Có bệnh viện mất hàng tỷ đồng chỉ riêng cho việc in bệnh án giấy. Khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh được minh bạch sẽ giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, góp phần hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có, PGS Tường cho biết.

Đã có 10 bệnh viện trên cả nước bỏ hoàn toàn bệnh án giấy - 2
Đến nay, trên cả nước đã có 10 bệnh viện bỏ hoàn toàn bệnh án giấy.

"Tôi rất hoan nghênh 10 bệnh viện đã làm thành công bệnh án điện tử. Các bệnh viện đã bỏ được khoảng 90-95% các hồ sơ, giấy tờ tại bệnh viện, chỉ còn một vài thông tin như cam đoan của người bệnh, quyết định nâng lương, bổ nhiệm thì vẫn cần sử dụng giấy", PGS Tường nói.

Tuy nhiên, dù bệnh án điện tử có nhiều điểm lợi nhưng việc triển khai chưa được kỳ vọng. PGS Tường chỉ ra một số khó khăn khi thực hiện như: lãnh đạo các bệnh viện chưa quyết liệt, tâm lý chờ cơ quan quản lý cấp trên thúc đẩy; chưa có cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin y tế nói chung và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nói riêng, kinh phí hoạt động của phần lớn các bệnh viện còn eo hẹp.

Để đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong ngành y, Cục Công nghệ thông tin cho biết sẽ đề xuất đưa việc triển khai bệnh án điện tử vào một trong các tiêu chí khen thưởng lãnh đạo cơ sở y tế.

Theo lộ trình, đến năm 2023, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Giai đoạn 2024-2028, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa triển khai được hồ sơ bệnh án điện tử thì phải có văn bản báo cáo cơ quan quản lý cấp trên nhưng phải hoàn thành triển khai được hồ sơ bệnh án điện tử trước ngày 31/12/2030.

Nhằm giúp các bệnh viện lựa chọn phần mềm phù hợp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) phối hợp với Hội tin học Việt Nam tổ chức cuộc thi "Y tế thông minh lần II-năm 2020. Mục tiêu, đánh giá chất lượng các sản phẩm phần mềm ứng dụng trong y tế, trong đó đặc biệt chú trọng các sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Y tế. Đã có 20 sản phẩm của 18 đơn vị lọt vào vòng Chung khảo. Dự kiến cuộc thi sẽ trao giải vào đầu tháng 4/2021.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm