1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ngành y tế đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử, hướng tới không sử dụng bệnh án giấy

(Dân trí) - Việc triển khai bệnh án điện tử sẽ giúp người bệnh không phải lưu trữ và mang theo tất cả các loại giấy tờ khi đi khám chữa bệnh, giúp các bác sĩ có thể truy cập hồ sơ bệnh án điện tử bất kỳ nơi nào trên thế giới nếu có internet…

Ngày 23/7, tại Đà Nẵng, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử, hướng tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng tiền mặt thanh toán viện phí.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Trần Quý Tường – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cho biết, Luật khám bệnh, chữa bệnh đã cho phép việc lập hồ sơ bệnh án điện tử. Tuy nhiên, cho đến năm 2018 trước khi Bộ Y tế ban hành Thông tư quy định hồ sơ bệnh án, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về hồ sơ bệnh án điện tử.

Ngành y tế đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử, hướng tới không sử dụng bệnh án giấy - 1

Ông Trần Quý Tường – Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) phát biểu khai mạc hội nghị

Ngày 28/12/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 46/2018/TT-BYT quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Thông tư này quy định việc lập, sử dụng và quản lý hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp phép hoạt động theo quy định của Luật khám bệnh, chữa bệnh.

Theo ông Tường, việc triển khai thành công bệnh án điện tử sẽ giúp người bệnh, thầy thuốc, cơ sở khám chữa bệnh và nhà quản lý thu được nhiều lợi ích.

Ngành y tế đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử, hướng tới không sử dụng bệnh án giấy - 2

Một số đại biểu "trải nghiệm" ứng dụng quản lý bệnh án điện tử

Đó là người bệnh không phải lưu trữ và mang theo tất cả các loại giấy tờ khi đi khám chữa bệnh. Giúp các cơ sở khám chữa bệnh quản lý thông tin sức khỏe liên tục, suốt đời của người dân, giúp người dân chủ động hơn trong phòng và chữa bệnh. Người bệnh không phải lo lắng nếu làm mất kết quả xét nghiệm, không phải hoang mang khi đọc chữ viết của bác sĩ. Các bác sĩ có thể truy cập hồ sơ bệnh án điện tử bất kỳ nơi nào trên thế giới nếu có internet. Tiết kiệm được chi phí duy trì các kho lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy. Cung cấp thông tin, dữ liệu lâm sàng nhanh chóng, kịp thời giữa các cơ sở khám chữa bệnh…

“Việc triển khai bệnh án điện tử là một nội dung quan trọng có ý nghĩa thực tiễn, có tính thời sự cao trong việc xây dựng y tế điện tử và chuyển đổi số. Đây là một bước đột phá quan trọng để chuyển đổi số của ngành y tế”, ông Trần Quý Tường nhấn mạnh.

Theo ông Tường, hội nghị lần này là hội nghị tổng thể có sự tham gia của nhiều bên liên quan để tìm ra giải pháp tối ưu, hiệu suất cao nhằm thúc đẩy triển khai bệnh án điện tử theo đúng lộ trình của Thông tư số 46.

Giai đoạn 2014 – 2016, Bộ Y tế phê duyệt dự án triển khai thí điểm bệnh án điện tử tại 6 bệnh viện gồm Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Phụ sản trung ương, Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương, Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

Hiện nay, ngoài 6 bệnh viện triển khai thí điểm kể trên, có một số bệnh viện khác cũng đang triển khai bệnh án điện tử như: Bệnh viện đại học Y dược TPHCM, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng, Bệnh viện Sản – Nhi Quảng Ninh, Bệnh viện đa khoa TP Vinh, Bệnh viện quận Thủ Đức, Bệnh viện phụ sản Hà Nội… Trong đó, Bệnh viện Sản – Nhi Quảng Ninh, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải phòng và Bệnh vện đa khoa Phú Thọ đã tiến tới không sử dụng bệnh án giấy.

Khánh Hồng