(Dân trí) - Trong vài tuần vừa qua, bệnh nhân nhập viện vì cúm A tại nhiều cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội tăng vọt. Có trường hợp phải cấp cứu chỉ vài tiếng sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên.
CÚM A BÙNG PHÁT BẤT THƯỜNG, NHIỀU NGƯỜI CẤP CỨU VÌ SỐT CAO, VIÊM PHỔI
Trong vài tuần vừa qua, bệnh nhân nhập viện vì cúm A tại nhiều cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội tăng vọt. Có trường hợp phải cấp cứu chỉ vài tiếng sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên.
Nhập viện cấp cứu chỉ sau vài tiếng xuất hiện triệu chứng
Cả ngày vẫn làm việc nhà bình thường nhưng đến tối, bà N.T.T. (sống tại Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) bất ngờ lên cơn sốt.
"Tôi chưa từng bị sốt như vậy bao giờ, sốt rất cao trong thời gian ngắn, người mệt lả, nhức mỏi và rất đau đầu", bà T. chia sẻ.
Đúng 11h tối, bà T. được gia đình đưa vào Bệnh viện Thanh Nhàn để cấp cứu. Qua xét nghiệm, bà T. được xác định mắc cúm A.
Bà chia sẻ rằng, trong 2 ngày đầu, tình trạng của bà rất nặng phải có 2 người trong gia đình hỗ trợ mọi việc. Đến ngày điều trị thứ 3, mới có thể tự thực hiện một số việc cá nhân và ngày thứ 4 mới hạ sốt.
Cũng phải vào viện cấp cứu sau cơn sốt "chớp nhoáng", chị N.B.H. (sống tại Hoàng Mai) chia sẻ về trận đau nhớ đời: "Ban đầu tôi cảm thấy bị sốt và rét, đau buốt xương và nhức người. Đinh ninh rằng mình bị tái nhiễm Covid-19 chủng mới nhưng đến khi làm test nhanh tại nhà lại cho kết quả âm tính SARS-CoV-2. Sốt 39 - 40 độ C nhưng uống thuốc hạ sốt lại không hề giảm, tôi hoang mang cực độ vì không biết mình đang mắc bệnh gì".
Chỉ trong vòng 7 tiếng đồng hồ, chị H. từ một người khỏe mạnh phải nhập viện cấp cứu vì sốt cao.
"Trước đó tôi có đi với mấy người bạn. Buổi tối tôi vào viện thì sáng hôm sau một cháu bé 6 tuổi trong đoàn cũng nhập viện vì sốt và ngay sau đó là bố cháu bé. 2 người này đều có kết quả dương tính với cúm A", chị H. thông tin thêm.
Cùng phòng điều trị với chị H. là P.N.M. (23 tuổi, sống tại Minh Khai, Hà Nội). M. đinh ninh rằng, mình bị lây cúm A từ một người bạn sau khi cả 2 cùng uống chung một cốc cà phê.
"Sau cuộc gặp, tôi đoán mình có khả năng bị lây bệnh nên đã tự cách ly một phần với gia đình, không ăn chung đồ với cả nhà nên may mắn trong gia đình chưa ai mắc bệnh", M. chia sẻ.
Thứ 7 cậu thanh niên trẻ này bắt đầu lên cơn sốt, đến chủ nhật đã phải nhập viện cấp cứu vì khi điều trị tại nhà tình trạng không thuyên giảm.
M. cho hay: "Lúc đầu chỉ thấy mệt và đau đầu, đau người sau đó dần sốt cao. Đến chủ nhật tôi sốt gần 40 độ và phải vào viện trong trạng thái mê man, mất tập trung. Khi nhập viện, tôi được các bác sĩ truyền nước, điều trị bằng thuốc và nhanh chóng hồi phục".
Dịch cúm A bùng phát bất thường so với mọi năm
Theo ThS.BSCKII Nguyễn Thu Hường - Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn, trong vài tuần vừa qua, bệnh nhân nhập viện vì cúm A tăng vọt. Thông thường, bệnh viện chỉ tiếp nhận lác đác một vài ca nhưng thời điểm này đã lên hơn 10 ca mỗi ngày.
"Các bệnh nhân cúm A nhập viện đều trong tình trạng sốt rất cao, mệt mỏi. Cá biệt có bệnh nhân bị viêm phổi, suy hô hấp, Các bệnh nhân có ở đủ các lứa tuổi", BS Hường chia sẻ.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng ghi nhận tình trạng bệnh nhân cúm A tăng đột biến.
Cụ thể, theo TS.BS Đặng Thị Thúy - Trưởng khoa Nhi, trong vài tuần trở lại đây, khoa Nhi bệnh viện tiếp nhận số lượng bệnh nhân cúm A tăng "bất thường" so với cùng thời điểm ở các năm trước.
"Trong quá trình thăm khám thấy bệnh nhân có những biểu hiện rầm rộ và điển hình của bệnh cúm, chúng tôi đã tiến hành thêm xét nghiệm khẳng định và đã phát hiện nhiều trẻ mắc cúm A. Cụ thể, trong hàng trăm trường hợp đến thăm khám mỗi ngày tại Khoa Nhi, có đến 1/4 - 1/5 số bệnh nhân bị cúm A", BS Thúy chia sẻ.
Đáng chú ý, theo nhận định của các chuyên gia, việc dịch cúm A leo thang trong thời điểm này là diễn biến hết sức bất thường so với mọi năm.
BS Nguyễn Thu Hường phân tích: "Như diễn biến dịch các năm, thời điểm này sốt xuất huyết sẽ xuất hiện trước và sau đó mới đến dịch cúm A nhưng hiện nay lại đảo ngược. Các ca cúm A ghi nhận ở Bệnh viện Thanh Nhàn hiện đang áp đảo sốt xuất huyết".
Đồng quan điểm, theo TS.BS Đặng Thị Thúy, mùa hè là thời điểm bệnh cúm mùa ít xuất hiện. Nguyên nhân là bởi thời tiết khô nóng, không thích hợp về nhiệt độ và độ ẩm cho virus cúm phát triển và gây bệnh.
Về nguyên nhân có sự bùng dịch bất thường này, các chuyên gia cho rằng một phần có thể là do thời tiết năm nay khá bất ổn. Vào mùa hè nhưng vừa qua cũng xuất hiện những đợt mưa lạnh. Tuy nhiên, vẫn chưa có đủ bằng chứng rõ ràng để khẳng định nguyên nhân.
Nguy cơ "dịch chồng dịch" hiện hữu: Người yếu thế đặc biệt đề phòng
Cúm A bùng phát bất thường trong bối cảnh ca Covid-19 có xu hướng gia tăng trở lại đặt ra nhiều mối lo ngại về nguy cơ "dịch chồng dịch".
Theo BS Nguyễn Thu Hường, khoảng 2 tuần trở lại đây, Bệnh viện Thanh Nhàn ghi nhận số bệnh nhân đến khám Covid-19 gia tăng mạnh.
"Đặc biệt có những ngày bệnh nhân đến khám gia tăng một cách đột biến lên đến 20 bệnh nhân. Con số này gấp nhiều lần so với giai đoạn vài tuần trước đây", BS Hường nói, "Đáng chú ý, một tỷ lệ không nhỏ bệnh nhân bị tái nhiễm Covid-19 lần 2, lần 3".
Cũng như Covid-19, cúm A là bệnh do virus và lây qua đường hô hấp. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là viêm phổi có thể tiến triển nhanh và gây tử vong.
"Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi khuyến cáo người dân cần đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế ra những nơi đông người. Đặc biệt, những người yếu thế (người già, người có bệnh nền…) càng cần phải chú ý bảo vệ sức khỏe", BS Hường khuyến cáo.
Nội dung: Minh Nhật
Ảnh: Mạnh Quân - Trịnh Nguyễn