Khám tại y tế cơ sở, hơn 12.000 người Hà Nội phát hiện tăng huyết áp
(Dân trí) - Hàng năm, hệ thống y tế Hà Nội khám chữa bệnh cho hơn 10 triệu lượt bệnh nhân.
Y tế cơ sở giúp phát hiện nhiều ca bệnh mãn tính
Tại Hà Nội, trong năm 2024, có 12.726 trường hợp tăng huyết áp được phát hiện thông qua thăm khám tại hệ thống y tế cơ sở.
Đây là thông tin được ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội, chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, diễn ra sáng 24/2 tại Hà Nội.

Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội (Ảnh: Minh Nhật).
Hệ thống y tế thành phố gồm 42 bệnh viện công lập, 43 bệnh viện ngoài công lập; 30 trung tâm y tế với 579 trạm y tế xã phường; hơn 15.000 cơ sở y, dược tư nhân. Theo thống kê, Hà Nội hiện có 16,3 bác sĩ trên 1 vạn dân.
Hàng năm, hệ thống y tế Thủ đô đã khám chữa bệnh cho hơn 10 triệu lượt, phẫu thuật hàng trăm nghìn bệnh nhân và đã cứu sống nhiều bệnh nhân hiểm nghèo.
Về y tế cơ sở, 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã đã thực hiện sàng lọc, khám phát hiện, quản lý điều trị bệnh tim mạch - tăng huyết áp, đái tháo đường.
"Năm 2024, hệ thống y tế cơ sở đã khám gần 3 triệu lượt, phát hiện mới 46.327 người tiền tăng huyết áp, 12.726 người tăng huyết áp; trên 370.000 người bệnh được quản lý, điều trị (96,6%).
Hơn 29.100 người tiền đái tháo đường được quản lý can thiệp dự phòng; số người bệnh được quản lý, điều trị là 118.007 người; 11.781 người thừa cân béo phì được tư vấn kiểm soát; 25.248 người có nguy cơ tim mạch được tư vấn điều trị dự phòng", ông Hưng thông tin.
Trong lĩnh vực y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội đã tham mưu thành phố chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát tốt các đại dịch như Covid-19.
Với chiến thuật chống dịch 6 bước, bao gồm: ngăn chặn, phát hiện ca xâm nhập, truy vết, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, không chỉ tiết kiệm tối đa nguồn lực, mà còn thực sự hiệu quả.
Mô hình cơ sở thu dung bệnh nhân Covid-19, cánh tay nối dài bệnh viện, đã giúp Hà Nội nhanh chóng kiểm soát đại dịch.
Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết thêm, trong giai đoạn mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ngành y tế Thủ đô xác định phải tốt hơn nữa để tạo nguồn lực tốt nhất cho Thủ đô vươn mình, cất cánh.
Đòn bẩy từ công nghệ để y tế Thủ đô vươn mình
"Ngành y tế Thủ đô đang nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, bệnh án điện tử; đăng ký và khám bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân gắn chip; đặt lịch khám qua điện thoại; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt... đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân", ông Hưng nhấn mạnh.

Ca lấy ghép đa tạng lần đầu tiên được thực hiện tại một cơ sở y tế Thủ đô (Ảnh: Mạnh Quân).
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh sức khỏe là tài sản vô giá đối với mỗi cá nhân và toàn thể dân tộc bởi khi nhân dân có sức khỏe, đất nước mới phát triển mạnh mẽ.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục cải thiện, tinh gọn bộ máy ngành y tế, nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo triển khai đúng các chỉ đạo của Trung ương và thành phố; xây dựng hệ thống khám chữa bệnh 3 cấp, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân.