1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Không chấp nhận TPCN có khả năng chữa bệnh

(DânTrí) - Trong buổi hội thảo “3 đúng” về thực phẩm chức năng, PGS TS Trần Đáng, Cục trưởng Cục ATVSTP nhấn mạnh: “Cần phân biệt rõ giữa thuốc và thực phẩm chức năng, không chấp nhận việc công bố khả năng chữa trị bệnh của loại thực phẩm này”.

Có lẽ mức doanh thu lên tới 65.000 tỉ USD/năm của toàn thế giới trong lĩnh vực kinh doanh TPCN này đã khiến không ít người nhanh nhạy sống trong hay ngoài Việt Nam muốn “nhảy vào”. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TPCN tại Việt Nam đều không tuân thủ quy định, thông tin mập mờ và vi phạm về mặt đạo đức kinh doanh, nhất là ở 2 mặt quảng cáo và bán hàng đa cấp. “Tại Việt Nam, hiện đã có khoảng 3.000 loại thực phẩm chức năng (TPCN) đã được cấp phép lưu hành”. Phó giáo sư Tiến sĩ Trần Minh Tâm cho biết trong phần tham luận của mình tại buổi hội thảo 3 đúng về TPCN tại TPHCM vừa qua.

 

Do có nhiều hình thức quảng cáo dẫn đến những suy nghĩ sai lầm trong người tiêu dùng, từ đó dẫn đến sự ngộ nhận xem như đây là những thần dược, chữa được bá bệnh. Thậm chí nhiều người còn lạm dụng nó để được khỏe mạnh hay chóng lành bệnh, để rồi tiền mất mà tật vẫn mang. Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã thành lập 2 đoàn thanh tra về việc kinh doanh, sản xuất, quảng cáo các mặt hàng TPCN tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai….

 

Bên cạnh việc kiểm tra, giám sát, các nhà quản lý và các nhà khoa học cũng nhấn mạnh đến yếu tố nâng cao ý thức người tiêu dùng đối với sản phẩm này.

 

3 điều không nên trong việc sử dụng TPCN:

 

1. Chớ cả tin, làm theo lời người khác, như cách chữa bệnh bằng nước tiểu, nước lạnh…

 

2. Đừng ngộ nhận, phải tìm hiểu một cách thận trọng cả 2 mặt lợi và hại của từng loại TPCN.

 

3. Không tham lam, không nghe người ta nói quá tốt 1 sản phẩm nào đó rồi dùng nó một cách quá mức. Riêng vấn đề bán hàng đa cấp thì không nên tham lam về phần lợi sẽ được hưởng khi “rủ rê” được nhiều người gia nhập.

Theo thông tư 08/2004 của Bộ Y tế thì “TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể con người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh”.

 

Cũng theo thông tư trên, TPCN có 4 tên gọi khác nhau tùy theo công dụng, hàm lượng vi chất bổ sung như các tên gọi là:

 

- Thực phẩm bổ sung

- Thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng

- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe 

- Sản phẩm dinh dưỡng y học.

 

Giáo sư Lưu Duẩn, Phó chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Thực phẩm Việt Nam khẳng định: “Không có loại TPCN nào có khả năng chữa tất cả các bệnh, mà chỉ có tác dụng hổ trợ cho cơ thể”.

 

Tiến sĩ bác sĩ Nguyễn thị Minh Kiều, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng TPHCM, thì khuyến cáo người tiêu dùng trước khi lựa chọn sản phẩm nên trả lời cho được 10 câu hỏi:

 

1- Thành phần mang lại hiệu quả chức năng là gì? Có sẵn tự nhiên hay do bổ sung?

2- Hiệu quả của sản phẩm như thế nào? Có bằng chứng gì xác nhận?

3- Công ty sản xuất có tiếng tốt không?

4- Qua nhãn ta có biết được hàm lượng các thành phần trong thực phẩm là bao nhiêu không?

5- Thành phần bổ sung có quá cao hay quá thấp không?

6- Thành phần bổ sung có gây bất lợi cho sức khỏe hay không?

7- Thành phần bổ sung dưới dạng sinh học nào? Có dễ hấp thu hay dễ chuyển hóa hay không?

8- Đặc điểm của TPCN có phù hợp với mục tiêu sức khỏe mà bạn mong muốn không?

9- So sánh giá TPCN với thực phẩm thông thường, xem nó có tương xứng?

10- Cách thức chế biến hay cách bảo quản có ảnh hưởng đến hiệu quả chức năng của thực phẩm không? 

 

Ngọc Thanh