1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Có thể bị méo mặt khi để tóc ướt đi ngủ

Đi ngủ với mái tóc ướt không chỉ khiến bạn bị đau đầu, rụng tóc… mà thậm chí bạn có thể bị liệt mặt sau khi ngủ dậy.

Để tóc ướt khi đi ngủ dễ dẫn đến liệt cơ mặt. Ảnh minh họa
Để tóc ướt khi đi ngủ dễ dẫn đến liệt cơ mặt. Ảnh minh họa

Liệt mặt vì để tóc ướt đi ngủ

Rất nhiều người có thói quen tắm muộn nên khi đi ngủ tóc vẫn còn ướt hoặc còn ẩm, nhất là nam giới cho rằng tóc ngắn sẽ nhanh chóng khô. Thực tế nhiều người có thói quen này đã bị liệt mặt. Mới đây, giới truyền thông Trung Quốc vừa đưa tin một cô gái 22 tuổi người Trùng Khánh đi ngủ với mái tóc ẩm ướt khi vừa gội xong. Sáng hôm sau thức dậy cô vô cùng kinh hãi khi phát hiện khuôn mặt mình bị biến dạng, vùng mặt trái cứng đơ không thể điều khiển. Khi được đưa vào bệnh viện, các bác sỹ cho biết nửa khuôn mặt của cô gái bị tê liệt và miệng bị giật méo là do cô để tóc ướt đi ngủ.

Một tuần trước đây, chị Nguyễn Thị Thảo (ở Mỹ Hào, Hưng Yên) cũng thấy lưỡi tê cứng, hoạt động vùng miệng khó khăn sau khi ngủ dậy. Qua thăm khám, bác sĩ xác định chị bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên mà nguyên nhân chính là thói quen hay tắm gội khuya của chị. Bữa đó vì mệt quá nên tắm gội xong là chị lăn ra giường ngủ luôn dù tóc chưa khô.

BS Nguyễn Quốc Oai – Trưởng khoa Đông y (Bệnh viện đa khoa Phố Nối - Hưng Yên) cho biết đã từng tiếp nhận một số trường hợp bệnh nhân bị liệt mặt. Qua thăm khám, bệnh nhân có cho biết tối hôm trước có tắm gội muộn và khi đi ngủ tóc chưa khô hẳn. Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở người cao tuổi mà cả những bạn trẻ cũng mắc phải. Thậm chí có trường hợp người bệnh không thể nhắm mắt sau khi tắm hoặc đêm ngủ rơi vào trạng thái tê liệt, bị giật méo một phần mặt. Trong y học cổ truyền thì gọi đây là bệnh lý phong hàn. Nguyên nhân gây bệnh là do hàn tà và phong tà tấn công vào các kinh mạch vùng mặt, làm tắc nghẽn các kinh mạch dẫn đến mắt không nhắm kín, miệng bị méo sang một bên.

Còn với y học hiện đại thì đây là bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên - chỉ đạo vận động của tất cả nhóm cơ nửa mặt. Có nhiều nguyên nhân gây liệt mặt, méo miệng, nhưng 75% là do lạnh làm ảnh hưởng tới dây thần kinh số 7, gây liệt mặt ngoại biên. Còn lại do các chấn thương, viêm nhiễm khác như viêm màng não, viêm tai, zona, chấn thương sọ ở vùng thái dương, xương chũm...

Theo BS Nguyễn Quốc Oai, vùng đầu, mặt là nơi dễ bị nhiễm lạnh nhất. Nếu để tóc ướt nhiều giờ khi ngủ sẽ làm các dây thần kinh sau tai bị co lại dẫn đến mạch máu tắc nghẽn không cung cấp đủ cho các dây thần kinh mặt. Do đó cơ vùng mặt và tai bị phù nề, gây tắc nghẽn dẫn truyền các xung động thần kinh, làm liệt vận động của một bên mặt. Có trường hợp khi vào viện tưởng bị tai biến tim mạch nhưng nguyên nhân sau đó được xác định là do liệt dây thần kinh số 7 vì lạnh từ việc tắm gội khuya, để tóc ướt đi ngủ.

Người bị liệt dây thần kinh số 7 phần lớn chữa khỏi trong những ngày đầu tiên và hồi phục hoàn toàn sau từ 4 - 6 tuần với nhiều phương pháp tùy theo từng bệnh nhân. Cụ thể như châm cứu, bấm huyệt, điện châm và sắc thuốc uống... Tuy nhiên việc điều trị chậm hoặc điều trị không đúng cách có thể gây biến chứng để lại di chứng như co giật cơ mặt, co cứng nửa mặt, viêm loét giác mạc…

“Việc gội đầu vào đêm khuya nhất là vào những hôm trời lạnh và để tóc ướt đi ngủ cũng khiến bạn dễ bị cảm lạnh, cảm cúm. Ban đêm nhiệt độ thấp hơn ban ngày, tóc ướt sẽ bay hơi mang theo một nhiệt lượng lớn khiến đầu bị lạnh, các mạch máu não bị co lại, giảm tuần hoàn não gây đau đầu. Sức đề kháng cơ thể giảm tạo điều kiện cho các vi khuẩn, virus gây bệnh có điều kiện phát triển gây hại cơ thể. Thực tế, đã có nhiều trường hợp bị cảm đột ngột, thậm chí đột tử vì tắm gội khuya”, BS Nguyễn Quốc Oai cho hay.

Tóc ướt đi ngủ còn là một ổ nấm

Theo BS da liễu Đinh Doãn Thạch - Bệnh viện Da liễu Hà Nội cơ sở 2, việc để tóc ướt khi đi ngủ sẽ mang đến rất nhiều hậu quả khôn lường. Đi ngủ mà da đầu vẫn còn ẩm ướt sẽ khiến da đầu dễ bị tổn thương gây ra tình trạng ngứa da đầu, gầu xuất hiện. Da đầu ẩm ướt cũng là môi trường lý tưởng cho các loại vi nấm, vi khuẩn gây hại phát triển. Nấm da đầu là nguyên nhân dẫn tới việc rụng nhiều tóc, hói đầu, bong vảy… kèm theo là cảm giác ngứa ngáy và có mùi lạ trên da đầu khiến bạn không chỉ vô cùng khó chịu mà còn làm mất đi tính thẩm mỹ. Bệnh nếu không điều trị sớm sẽ dẫn đến điều trị khó khăn hơn và. Khi bị nhiễm nấm cần tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu để được hướng dẫn điều trị đúng cách.

Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, để tóc ướt khi đi ngủ là một trong những nguyên nhân gây ra các cơn đau đầu. Nhiều phụ nữ bị đau đầu kinh niên đó là hậu quả của việc thường xuyên gội đầu khuya muộn. Nguyên nhân là nước đọng lại trên tóc và da đầu sẽ khiến các mạch máu hoạt động chậm lại làm cản trở lưu thông máu, lâu dần thành đau nhức đầu mãn tính.

Ngoài ra, thói quen xấu này còn gây ra cảm giác nặng nề, mệt mỏi khi thức dậy hay những cơn đau nhức đầu bất chợt. Thậm chí là dẫn tới nguy cơ bị viêm tĩnh mạch da đầu mãn tính. Biểu hiện thường thấy là ngứa ngáy, đau nhức đầu, phần da đầu thường dày và thô hơn mức thường, đồng thời dưới lớp da đầu còn có những cục sưng nhỏ trồi lên. Tình trạng này cần phải điều trị kịp thời nếu không dễ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Các chuyên gia khuyến cáo để đảm bảo an toàn cho tóc và da đầu, các bạn không nên gội đầu quá khuya. Nếu có thói quen gội đầu vào buổi tối, bạn cần phải sấy hoặc lau tóc thật khô trước khi đi ngủ. Tuyệt đối không gội đầu sau 23h, đặc biệt là vào những ngày trời lạnh bởi dù tắm gội bằng nước nóng cũng khiến các tĩnh mạch giãn ra, hạ huyết áp dễ xuất hiện hiện tượng thiếu máu não, nghiêm trọng có thể dẫn đến hôn mê.

“Các chuyên gia khuyến cáo, để đảm bảo an toàn cho tóc và da đầu, các bạn không nên gội đầu quá khuya. Nếu có thói quen gội đầu vào buổi tối, bạn cần phải sấy hoặc lau tóc thật khô trước khi đi ngủ.

Không gội đầu sau 23h, đặc biệt vào những ngày trời lạnh, bởi dù tắm gội bằng nước nóng cũng khiến các tĩnh mạch giãn ra, hạ huyết áp dễ xuất hiện hiện tượng thiếu máu não, nghiêm trọng có thể dẫn đến hôn mê”.

Theo H.My - H.Dương

Báo Gia đình & Xã hội