Có nên nhịn ăn gián đoạn, cắt toàn bộ tinh bột để giảm cân?

Hồng Hải

(Dân trí) - Khi cắt toàn bộ tinh bột, nhịn ăn gián đoạn, trong quá trình chuyển hóa sẽ hình thành các chất béo tích tụ trong nội tạng, khó giải quyết hơn nhiều so với chất béo thông thường.

TS.BS Trần Khánh Vân, Trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia cảnh báo, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng liên quan đến thừa cân béo phì, bắt nguồn từ chế độ ăn kiêng, các chế độ ăn phản khoa học nhiều người đang áp dụng.

"Các chế độ ăn kiêng để giảm cân như cắt hoàn toàn tinh bột (cơm, khoai, ngô, sắn), nhịn ăn gián đoạn 8-16 tiếng để sau đó lại ăn thoải mái... đều là những phương pháp không được khuyến khích vì gây hại cho sức khỏe", TS Vân thông tin.

Có nên nhịn ăn gián đoạn, cắt toàn bộ tinh bột để giảm cân? - 1

TS.BS Trần Khánh Vân cảnh báo, việc loại bỏ hoàn toàn tinh bột khỏi chế độ ăn, nhịn ăn gián đoạn đều gây tác động tiêu cực đến sức khỏe, hình thành mỡ nội tạng nguy hiểm (Ảnh: Hồng Hải).

BS Khánh Vân cho biết rất nhiều chị em bỏ không ăn một chút tinh bột nào trong cả thời gian dài, điều này gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, bởi chất đường không chỉ là nguồn năng lượng nuôi cơ thể, mà não của chúng ta chỉ "ăn" năng lượng duy nhất là đường.

Theo chuyên gia này, bất cứ chế độ ăn mất cân đối nào đều gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể. Ví dụ khi ta ăn quá nhiều tinh bột, hay protein (đạm), chất béo, đường... cơ thể sẽ chuyển hóa nó thành dự trữ dạng chất béo.

Muốn chất béo đó chuyển hóa ngược lại thành năng lượng nuôi cơ thể, chúng ta lại phải nỗ lực rất lớn.

"Chế độ ăn cắt hoàn toàn tinh bột đẩy cơ thể vào trạng thái đói, buộc cơ thể phải sử dụng chất béo tích tụ thành đường để nuôi cơ thể. Vì thế khi cắt giảm tinh bột, low carb bạn thấy cơ thể giảm cân nhưng giảm cân bằng phương pháp này lại không tốt cho sức khỏe", BS Khánh Vân nói.

Chuyên gia này giải thích: "Trong trạng thái đói đó, đúng là chúng ta có tiêu mỡ, nhưng trong quá trình chuyển hóa này sẽ hình thành các chất béo chuỗi ngắn tích lũy trong gan, thận, trong nội tạng.

Chúng ta giải quyết chất béo đó khó hơn rất nhiều lần so với chúng ta giải quyết chất béo tích tụ bên ngoài cơ quan nội tạng đó".

Việc tăng và giảm cân luôn phải theo nguyên tắc năng lượng nạp vào ít hơn năng lượng tiêu hao.

Theo nghiên cứu, mỗi ngày chúng ta chỉ dư thừa 30kcal năng lượng tiêu hao so với năng lượng nạp vào, lâu dần cũng tích mỡ gây lên cân. Nhưng khi giảm cân, chị em phụ nữ ai cũng nôn nóng, ngày nào cũng đứng lên cân, hoặc đặt mục tiêu tháng giảm vài ba cân là rất phản khoa học.

"Để giảm cân, cần điều chỉnh chế độ ăn để năng lượng nạp vào ít hơn năng lượng tiêu hao, cơ thể sẽ dần đốt mỡ thừa. Nhưng không thể nôn nóng mà cần thời gian", BS Vân khuyến cáo.

Bên cạnh đó, mọi người không nên có tâm lý vội vàng. Trong giảm béo "dục tốc bất đạt". Rất nhiều người đặt mục tiêu giảm 4-5kg một tháng, nhưng có giảm được cũng khó bền vững, rất nhanh chóng bị béo lại.

Theo các chuyên gia, việc giảm cân cần đặt mục tiêu vừa phải, từ 5-15% trọng lượng cơ thể trong 6 tháng để giảm cân bền vững.

Mục tiêu giảm cân được đặt ra không gây áp lực khiến người béo phì nhịn ăn, tập luyện đến ngất xỉu. Mục tiêu giảm cân được đặt ra từ 5-15% trong khoảng thời gian 6 tháng là thực tế và đã được chứng minh mang lại lợi ích sức khỏe. 

Việc can thiệp lối sống là nền tảng đảm bảo duy trì giảm cân bền vững, an toàn bao gồm các biện pháp can thiệp dinh dưỡng, tập luyện thể lực, thay đổi hành vi, hỗ trợ tâm lý.

Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng quốc gia, một chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng là protein (chất đạm) chiếm 13%-20%, lipid (chất béo) từ 20%- 25% còn glucid (tinh bột, đường) đạt từ 55%-65%.