Chuyện không ngờ từ những ổ dịch SXH

Ai cũng biết để phòng chống sốt xuất huyết (SXH) thì cách tốt nhất là phải diệt lăng quăng, nhưng không phải ai cũng biết chỗ có lăng quăng để mà diệt. Chuyện tìm diệt ổ dịch SXH đôi khi khiến chính những người trong cuộc… bật ngửa

Ổ dịch trong biệt thự

 

Một trong những điểm nóng về SXH của Q.8, nơi đang đứng đầu thành phố về số ca mắc SXH là phường 7 với hơn 100 ca mắc SXH trong 11 tháng. Câu chuyện mà bà Nguyễn Thị Nguyệt, phó chủ tịch UBND phường này kể là một điển hình của việc chủ quan trong phòng dịch: một tổ dân phố có ba người lớn và một trẻ em bị SXH trong tháng 10.

 

Nhân viên y tế nghi ngờ ổ dịch nằm ở một hộ có hai người mắc SXH. Nhưng hộ này quả quyết nhà họ chẳng có chỗ nào nước đọng cho lăng quăng sống. Nhân viên y tế thuyết phục mãi mới được vào nhà kiểm tra, tìm khắp cũng không thấy gì. Nhưng đến góc bếp thì phát hiện lăng quăng đầy trong mấy cái chén nước chống kiến đặt dưới bốn chân tủ đựng đồ ăn.

 

Bác sĩ Lê Thị Thanh, Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng quận Phú Nhuận, chia sẻ câu chuyện về ổ dịch hình thành từ… một trái banh. Ở một khu phố có nhiều trẻ em bị SXH, người dân cứ khăng khăng rằng con mình bị SXH vì “muỗi trường” chứ không phải vì “muỗi nhà”. Nhân viên y tế dự phòng leo cả lên mái nhà kiểm tra cũng chẳng thấy gì khả nghi. Đến khi để ý lỗ thoát nước trên một máng xối mới phát hiện quả banh nhỏ trẻ chơi ném lên mái nhà rồi kẹt trong lỗ thoát nước đã tạo thành “bệnh viện phụ sản” của muỗi.

 

Theo bác sĩ Lê Thị Kim Phượng, Trưởng phòng Giáo dục sức khỏe - Kỹ thuật nghe nhìn của TT Truyền thông – Giáo dục sức khỏe, thuộc Sở Y tế TP HCM, nước đọng ở nhà nhỏ, nhà lớn gì cũng có thể trở thành ổ dịch. Tại một tổ dân phố có năm ca SXH, đoàn kiểm tra xác định ổ dịch là từ một biệt thự nhưng không vào được bên trong vì chủ nhà đi vắng lâu ngày. Phải xin phép UBND, công an phường và khu phố, đoàn kiểm tra mới được phép mở cổng biệt thự này khi không có mặt chủ. Đến khi vào trong thì phát hiện cả một “thiên đường” của muỗi và lăng quăng ở những chậu hoa cảnh, bình nước nuôi dây leo và hòn non bộ.

 

Lô cốt nuôi muỗi?

 

Ông Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, giải thích: Số ca mắc SXH tăng cao là do thời tiết thay đổi, mưa nhiều, triều cường liên tục xảy ra, trong khi hệ thống thoát nước hạn chế gây ra tình trạng ngập úng, tạo điều kiện cho lăng quăng và muỗi sinh sôi.

 

Khi được hỏi về vấn đề các lô cốt có khả năng trở thành ổ dịch SXH hay không, ông Giang cho biết: Sở Y tế đã chỉ đạo kiểm tra tình trạng ngập đọng nước và hình thành ổ lăng quăng ở các lô cốt nhưng cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng. Theo ông, khả năng lô cốt có các ổ lăng quăng là không cao nếu nước đọng ở đây là nước đục, nước bẩn.

 

Muỗi truyền bệnh SXH (muỗi giống Aedes) chỉ sống ở những nơi có người và đẻ trứng ở nơi có nước trong đọng lâu ngày, những nơi nước đục, nước bẩn lăng quăng không sống được. Nhưng ở các lô cốt bị biến thành nhà kho, thành nơi trú cho công nhân thì các sinh hoạt như tắm giặt, ăn uống, và việc vứt rác bừa bãi sẽ tạo ra những nơi đọng nước khi mưa xuống và sẽ tạo điều kiện cho việc hình thành các ổ lăng quăng.

 

Tính từ đầu năm 2008 đến cuối tháng 11 vừa qua, TP.HCM là địa phương có số ca mắc bệnh và số ca tử vong do SXH cao nhất cả nước với 13.902 ca mắc SXH, trong đó có 10 ca đã tử vong. Sau đợt tuyên truyền phòng chống SXH và xử lý ổ dịch được sở Y tế thành phố triển khai vào tháng 10, số ca mắc SXH trong nửa đầu tháng 11 giảm hẳn, nhưng đến nửa cuối tháng 11 thì lại tăng vọt hơn 51% so với nửa đầu tháng. Trong cuộc họp giao ban y tế quận huyện vào ngày 10/12, sở Y tế thành phố cho biết SXH bùng phát trở lại là do các ổ dịch chưa được xử lý triệt để. Dây dưa một phần chính là từ các ổ dịch ở những nơi ít ai ngờ, chẳng hạn như những bát nước hay lọ hoa trên bàn thờ – theo nhiều nhân viên y tế dự phòng.

 

Theo Sở Y tế, dịch SXH sẽ còn kéo dài sang đầu năm 2009.

 

Theo Hoàng Nhung

Sài Gòn tiếp thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm