1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chuyên gia: Hà Nội có nhiều nguồn lây thủy đậu trong cộng đồng

Minh Nhật

(Dân trí) - Cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 634 ca mắc thủy đậu, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Nhiều nguồn lây trong cộng đồng

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần Thủ đô ghi nhận 86 trường hợp mắc thủy đậu. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 634 ca mắc thủy đậu, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Số ca mắc ghi nhận cao ở nhóm tuổi mầm non (37,5%) và tiểu học (36,5%). Tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông, số trẻ mắc thủy đậu đến khám và điều trị tăng 30% so với tháng trước. Trẻ nhập viện với các dấu hiệu như sốt, đau đầu, nhức cơ, nổi ban tròn đỏ khắp cơ thể, tiến triển thành bọng nước, mụn mủ, kèm ho và tiêu chảy.

Chuyên gia: Hà Nội có nhiều nguồn lây thủy đậu trong cộng đồng - 1

Các bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu tại Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

 Bệnh nhân ghi nhận tại 17/30 quận huyện, một số đơn vị có số mắc cao như: Chương Mỹ (241), Mê Linh (96), Ba Vì (83), Nam Từ Liêm (58), Mỹ Đức (51).

Chương Mỹ hiện là địa bàn ghi nhận nhiều ca thủy đậu nhất của Hà Nội. Trong tuần 13, huyện ghi nhận 9 ca mắc. Trong tuần không xuất hiện ổ dịch mới, 5 ổ dịch cũ đều đã kết thúc.

Mặc dù tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nhưng UBND huyện Chương Mỹ yêu cầu ngành y tế huyện, các ban ngành chuyên môn, các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh… xử lý triệt để các ca bệnh, ổ dịch không để lây lan ra diện rộng.

Chuyên gia: Hà Nội có nhiều nguồn lây thủy đậu trong cộng đồng - 2

ThS.BS Đặng Thị Kim Hạnh (Ảnh: Hữu Nghị).

Là người có kinh nghiệm nhiều năm trong công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng, ThS.BS Đặng Thị Kim Hạnh - Trưởng đơn vị tiêm chủng, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI nhận định, số bệnh nhân thủy đậu gia tăng như hiện nay là rất đáng ngại.

"Hàng năm Việt Nam ghi nhận hàng chục nghìn ca bệnh kéo dài từ mùa đông sang tháng 3, tháng 4 là đỉnh dịch. Có thể thấy rằng qua số liệu CDC Hà Nội, dịch bệnh đang gia tăng so với hàng năm. Rõ ràng dịch đúng chu kỳ nhưng số mắc tăng lên rất nhiều. Có lẽ khí hậu thời tiết ẩm ướt hiện nay là điều kiện để bệnh phát triển mạnh", BS Hạnh cho hay.

Chuyên gia này nhấn mạnh, từ diễn biến của dịch thủy đậu có thể nhận thấy nhiều nguồn lây đang có sẵn trong cộng đồng. Do đó, những người chưa từng mắc thủy đậu hoặc chưa tiêm vaccine sẽ có nguy cơ bị lây nhiễm.

Biến chứng nguy hiểm của thủy đậu nếu chủ quan

Theo BSCKI Nguyễn Văn Nho - Khoa Nhi, Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI, thủy đậu là bệnh lành tính nhưng có thể diễn biến bất thường có nguy cơ biến chứng nặng và gây tử vong ở trẻ em. Do đó, chúng ta cần quan tâm theo dõi rất chặt chẽ.

Chuyên gia: Hà Nội có nhiều nguồn lây thủy đậu trong cộng đồng - 3

BSCKI Nguyễn Văn Nho (Ảnh: Hữu Nghị).

"Bệnh thường biểu hiện lành tính chủ yếu ở tổn thương da, ngoài ra trẻ vẫn sinh hoạt, ăn uống bình thường. Trẻ cũng có thể có cảm cúm sau đó sẽ hết. Nhưng ở một số trường hợp bệnh có thể có giai đoạn biến chuyển nặng lên. Thể hiện ở việc các cháu có thể sốt cao kéo dài do tổn thương viêm xâm nhập qua những nốt phỏng da gây nhiễm trùng máu, viêm khớp, viêm cơ. Ngoài tổn thương da có thể là viêm phổi, viêm não hoặc viêm tai giữa. Đây là những biến chứng có thể gặp của thủy đậu", BS Nho phân tích.

Ngoài ra, theo chuyên gia này, thủy đậu gặp ở phụ nữ có thai cũng cực kỳ nguy hiểm. Phụ nữ có thai ở 3 tháng đầu thai kỳ mắc thủy đậu có thể dẫn đến hội chứng dị dạng bẩm sinh do thủy đậu ở trẻ sơ sinh.

BS Nho chia sẻ: "Nghĩa là trẻ khi sinh ra sẽ có tổn thương sẹo rỗ trên da hoặc dị dạng thừa ngón, thiếu ngón tay, chân hoặc dị dạng về não. Đó là những di chứng rất đáng lo ngại".

Ngoài ra, nếu phụ nữ đang mang thai mắc thủy đậu 5 ngày trước sinh hoặc 2 ngày sau sinh có thể lây cho trẻ, gọi là thủy đậu sơ sinh. Thủy đậu sơ sinh có tỷ lệ tử vong 30%. Hiện nhờ tiến bộ khoa học đã có globulin miễn dịch cho thủy đậu. Phương pháp điều trị này giúp hạ tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh xuống 7%, nhưng đây cũng là một tỷ lệ cao.