Hà Nội: Nhiều người nổi mụn nước chi chít phải nhập viện vì dịch bất thường
(Dân trí) - Thủy đậu lây truyền qua giọt bắn, tiếp xúc da, quần áo. Do đó, các bệnh nhân khi mắc bệnh cần báo cho người sống cùng chú ý về mặt dịch tễ, nước, thức ăn.
Sau khi thấy bản thân bị sốt rồi xuất hiện các mụn nước, anh Đức (sống tại Hoàng Mai, Hà Nội) tự uống thuốc hạ sốt để điều trị.
Tuy nhiên, 3 ngày trôi qua bệnh vẫn không hề thuyên giảm. Thêm vào đó, anh bất ngờ xuất hiện tình trạng khó thở và các dấu hiệu thận yếu nên quyết định vào Bệnh viện Thanh Nhàn thăm khám.
Tại Khoa Bệnh Nghề nghiệp, anh Đức được chẩn đoán mắc thủy đậu. Sau vài ngày điều trị, tình trạng của anh dần ổn định.
"Tôi khá bất ngờ khi biết mình bị thủy đậu. Khó khăn nhất khi mắc bệnh này là những bất tiện trong sinh hoạt khi phải kiêng nước, kiêng gió và nhiều loại đồ ăn", anh Đức chia sẻ.
Hà Nội đang xuất hiện dịch thủy đậu. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, đã có 18/30 quận, huyện, thị xã ghi nhận bệnh nhân thủy đậu. Đáng chú ý tại huyện Chương Mỹ, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận hơn 270 bệnh nhân thủy đậu, nhiều ổ dịch được phát hiện trong trường học.
Theo BS Nguyễn Ngọc Trung - Khoa Bệnh nghề nghiệp, Bệnh viện Thanh Nhàn, từ đầu năm, cơ sở này tiếp nhận rải rác các ca bệnh thủy đậu. Tuy nhiên, từ đầu tháng 3 đến nay, ca thủy đậu tăng đột biến.
"Mọi năm thủy đậu thường ghi nhận nhiều vào tháng 10 - 12. Do đó, việc ghi nhận nhiều bệnh nhân thủy đậu trong giai đoạn này là khá bất thường. Chưa thể khẳng định nguyên nhân là do sự thay đổi thời tiết, khí hậu hay do hệ thống miễn dịch người dân suy giảm sau Covid-19", BS Trung cho hay.
Khoa Bệnh nghề nghiệp đã tiếp nhận điều trị cho nhiều bệnh nhân thủy đậu. Với những bệnh nhân có triệu chứng sốt nhưng không nhiễm trùng hoặc không có tổn thương da nhiều sẽ được cho về điều trị tại nhà.
BS Trung chia sẻ: "Các bệnh nhân sốt cao, không ăn uống được, nhiễm trùng hoặc tổn thương da có nguy cơ vỡ ra thì sẽ được nhập viện".
Da nổi chi chít những mụn nước do thủy đậu, anh Sơn, 26 tuổi chia sẻ: "Sáng thứ 7 khi ngủ dậy tôi thấy nổi hạch ở cổ. Đến tối cùng ngày ăn cơm xong thì bắt đầu xuất hiện những mụn nước. Tuy nhiên vì đã muộn nên tôi chờ đến sáng hôm sau mới nhập viện".
Anh Sơn nằm trong chùm ca bệnh thủy đậu cùng sống chung khu nhà với nhau. Trước đó, đã có nhiều bệnh nhân trong chùm ca bệnh này đến Bệnh viện Thành nhàn điều trị.
Các bác sĩ nhận định rất có thể những bệnh nhân này đã lây nhiễm nhau từ trước. Đến giai đoạn toàn phát, bệnh nhân mới đến viện thăm khám.
Bệnh nhân Giàng, 27 tuổi, quê ở Yên Minh, Hà Giang cho biết, nơi ở tập thể hiện tại của các bệnh nhân có khoảng 30 người đang sinh hoạt. Các phòng ở có giường tầng. Tuy mỗi người một giường nhưng ăn uống, sinh hoạt chung.
Theo bệnh nhân, các triệu chứng bắt đầu khởi phát cách đây 2 tuần do một người cùng phòng có biểu hiện nổi mẩn ngứa.
BS Trung phân tích, thủy đậu lây truyền qua giọt bắn, tiếp xúc da, quần áo. Do đó, các bệnh nhân khi mắc bệnh cần báo cho người sống cùng chú ý về mặt dịch tễ, nước, thức ăn. Bệnh nhân cũng lưu ý tự cách ly sinh hoạt riêng để tránh tiếp xúc gần với người khỏe mạnh.
Thủy đậu do virus Herpes gây ra. Trong giai đoạn sớm nếu được điều trị bằng thuốc kháng virus (hiệu quả nhất trong 48h khi bệnh nhân toàn phát) sẽ giảm tiên lượng nặng của bệnh nhân, ức chế sự nhân lên của virus và giúp điều trị hiệu quả hơn.
Do đó, người dân khi thấy dấu hiệu nghi ngờ, đặc biệt là người sống trong khu vực ổ dịch cần đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc này cũng giúp cơ quan chức năng nắm bắt được thông tin dịch tễ, từ đó kiểm soát dịch tốt hơn.
Thủy đậu khi điều trị muộn có thể gây các biến chứng ở cơ quan nội tạng và biến chứng tổn thương tại chỗ nên người dân tuyệt đối không chủ quan.