Chưa xảy ra tác dụng phụ nặng khi tiêm vắc xin Covid-19 sản xuất trong nước
(Dân trí) - Trong giai đoạn 1 tiêm thử vắc xin, một vài trường hợp có các biểu hiện như sưng, nóng, đau tại chỗ tiêm, sốt, nhức đầu, không có trường hợp bị tác dụng phụ nặng.
Ngày 26/2, tại Trung tâm tế dự phòng huyện Bến Lức (tỉnh long An), Bộ Y tế đã triển khai tiêm thử vắc xin Covid-19 giai đoạn 2 đối với hơn 500 tình nguyện viên. Vắc xin được tiêm thử là Nanocovax do Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Dược Nanogen (Công ty Nanogen) sản xuất.
Kết quả giai đoạn 1 cho thấy vắc xin Nanocovax đạt yêu cầu về tính an toàn và cho kết quả đáp ứng miễn dịch sinh kháng thể chống virus SARS - COV - 2 cao trên 60 người tình nguyện tham gia nghiên cứu .
Giai đoạn 2 được thiết kế mù đôi, ngẫu nhiên, so sánh giả dược nhằm đánh giá an toàn và đáp ứng miễn dịch của 3 liều vắc xin Nanocovax 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg. Tổng cộng có 560 đối tượng được phân ngẫu nhiên vào 4 nhóm, trong đó 480 đối tượng vào nhóm sử dụng vắc xin (160 đối tượng tiêm Nanocovax 25mcg, 160 đối tượng tiêm Nanocovax 50 mcg và 160 đối tượng tiêm Nanocovax 75 mcg) và 80 đối tượng vào nhóm tiêm giả dược (tá chất nhôm AlPO4) tương ứng tỷ lệ 2 (25mcg) : 2 (50mcg) : 2 (75mcg) : 1 (giả dược). Giai đoạn 2 sẽ được phân tầng thành 2 nhóm tuổi: nhóm từ đủ 18 đến 60 tuổi và nhóm trên 60 tuổi.
Tất cả các đối tượng tham gia nghiên cứu giai đoạn 2 sẽ được tiêm bắp 2 liều vắc xin hoặc giả dược (tá chất nhôm AlPO4). Khoảng cách giữa 2 liều là 28 ngày. Thời gian nghiên cứu cho mỗi người tham gia là khoảng 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 12 kể từ liều tiêm đầu tiên.
Chia sẻ thông tin về vấn đề trên, tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục khoa học Công nghệ (Bộ Y tế) cho biết Việt Nam đang hoàn thiện quá trình nghiên cứu vắc xin Covid-19. Việt Nam là quốc gia duy nhất tại Đông Nam Á làm chủ công nghệ và đưa vào nghiên cứu vắc xin lâm sàng.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ngoài việc nhập vắc xin thì nghiên cứu vắc xin trong nước là vấn đề được Chính phủ, Bộ Y tế chú trọng.
"Để việc nghiên cứu vắc xin thành công sẽ rất cần sự tham gia tiêm thử của người dân. Đây là sự đóng góp cho cộng đồng với mục tiêu phát triển nền khoa học công nghệ, nghiên cứu vắc xin. Việt Nam quyết tâm sớm nghiên cứu thành công vắc xin để có được công cụ, vũ khí hữu hiệu nhằm ngăn ngừa, phòng chống Covid-19, làm chủ nguồn vắc xin", ông Quang chia sẻ.
Ông Quang cho biết, trong giai đoạn 2 này đã có hơn 800 tình nguyện viên đăng ký. Qua 8 lần sàng lọc hơn 500 tình nguyện viên đạt yêu cầu tiêm thử. Để đạt được thành công như trên, Bộ Y tế, tỉnh Long An đã tuyên truyền, kêu gọi và phát tờ rơi thông tin đến người dân trong nhiều ngày qua.
"Nguyên nhân Bộ Y tế chọn huyện Bến Lức, tỉnh Long An để tiêm thử vắc xin vì đây là địa phương đã nhiều lần tham gia tập huấn nghiên cứu vắc xin. Cán bộ y tế tại địa phương đã nắm rõ quy trình nghiên cứu, có kinh nghiệm nhiều nên thuận lợi cho quá trình tiêm thử vắc xin. Mặt khác, Bến Lức khá gần với TPHCM nên thuận lợi trong quá trình đưa mẫu xét nghiệm về TP nghiên cứu. Việc di chuyển vắc xin xuống tiêm cho người dân cũng thuận lợi", ông Quang chia sẻ thêm.
Theo ông Quang, trong giai đoạn 1, một vài trường hợp sau khi tiêm thử có các triệu chứng như sưng, nóng, đau tại chỗ tiêm. Một số người có biểu hiện sốt, nhức đầu sau khi tiêm thử. Đây là những tác dụng phụ không mong muốn nhưng cũng nằm trong dự kiến. Tất cả những tác dụng phụ trên đều đã được dự kiến. Trong giai đoạn 1 tiêm thử, không có trường hợp nào có tác dụng phụ nặng.
Ghi nhận đến 9h30 cùng ngày, khoảng hơn 20 tình nguyện viên đã được tiêm thử vắc xin. Những tình nguyện viên đều đến từ sáng sớm với tâm trạng hết sức vui vẻ. Trong ngày hôm nay, 39 trường hợp sẽ được tiêm thử vắc xin. Những trường hợp khác sẽ được sắp xếp từ ngày mai.
Trước đó, ngày 8/2, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) đã hoàn thành 120 mũi tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc xin ngừa Covid-19 Nanocovax cho 60 tình nguyện viên.