1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chống béo dịp lễ 2/9 nhờ "3 xanh, một vàng" là khắc tinh mỡ xấu

Minh Nhật

(Dân trí) - Việc thêm một số loại rau, củ, quả vào chế độ ăn đã được chứng minh có khả năng hạn chế tích mỡ và dọn dẹp cholesterol trong cơ thể hiệu quả.

Những bữa tiệc dịp lễ 2/9 khiến chúng ta khó lòng kiểm soát được lượng thực phẩm đưa vào cơ thể, đặc biệt là chất béo. Cholesterol cao trong máu đã được xác định là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh tim mạch.

Việc thêm một số loại rau, củ, quả vào chế độ ăn đã được chứng minh khả năng hạn chế tích mỡ và dọn dẹp cholesterol trong cơ thể hiệu quả.

Súp lơ xanh

Chống béo dịp lễ 2/9 nhờ 3 xanh, một vàng là khắc tinh mỡ xấu - 1

Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra mối liên quan giữa việc tiêu thụ súp lơ xanh và giảm cholesterol trong cơ thể (Ảnh: Getty).

Súp lơ xanh (bông cải xanh) là một trong những loại rau giàu dinh dưỡng và chứa nhiều chất chống oxy hóa. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra mối liên quan giữa việc tiêu thụ súp lơ xanh và giảm cholesterol trong cơ thể.

Năm 2018, một nghiên cứu được công bố trong tạp chí "Journal of Nutrition" đã tìm hiểu về tác động của súp lơ xanh đối với cholesterol máu.

Trong nghiên cứu này, các tình nguyện viên được chia thành hai nhóm, một nhóm ăn súp lơ xanh hàng ngày trong thời gian 12 tuần, nhóm còn lại ăn một loại rau khác không có tác động đặc biệt lên cholesterol.

Kết quả cho thấy nhóm ăn súp lơ xanh có sự giảm cholesterol LDL (cholesterol xấu) đáng kể hơn so với nhóm đối chứng.

Bên cạnh đó, súp lơ xanh có chứa hoạt chất sulforaphane, được cho là có khả năng kích hoạt gen liên quan đến quá trình loại bỏ cholesterol từ cơ thể.

Ngoài ra, chất xơ có trong súp lơ xanh cũng có vai trò quan trọng trong quá trình này bằng cách hấp thụ cholesterol và giúp loại bỏ nó khỏi cơ thể.

Mướp đắng

Chống béo dịp lễ 2/9 nhờ 3 xanh, một vàng là khắc tinh mỡ xấu - 2

Mướp đắng chứa nhiều triterpenoids, polyphenol và flavonoid (Ảnh: Getty).

Sử dụng mướp đắng, đặc biệt là ăn sống, sẽ giúp làm giảm cholesterol trong máu. Nhờ đặc tính này, mướp đắng hỗ trợ tăng cường sức khỏe tim mạch, hạn chế một cách đáng kể nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. 

Bên cạnh đó, mướp đắng chứa các hóa chất thực vật có thể giúp ngăn ngừa ung thư, giảm stress oxy hóa và giảm lượng đường trong máu.

Cụ thể, mướp đắng chứa nhiều triterpenoids, polyphenol và flavonoid. Ngoài ra nó cũng chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất xơ. Mướp đắng giúp cân bằng đường huyết, ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư, củng cố hệ tiêu hóa…

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2021 cho thấy chiết xuất mướp đắng đã kìm hãm một số phân tử đặc biệt. Các phân tử này vốn có nhiệm vụ cho phép glucose và chất béo di chuyển khắp cơ thể, cơ chế này lại vô tình nuôi dưỡng tế bào ung thư và giúp chúng phát triển mạnh.

Theo Healthline, mướp đắng chứa nhiều chất phytochemical đã được chứng minh là làm chậm sự phát triển của các loại ung thư trong cả nghiên cứu trên ống nghiệm và động vật. Nó cũng được sử dụng trong y học để giúp giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường.

Quả me

Chống béo dịp lễ 2/9 nhờ 3 xanh, một vàng là khắc tinh mỡ xấu - 3

Thực phẩm này chứa nhiều chất xơ và axit béo không no (Ảnh: Getty).

Me là một loại quả rất quen thuộc với người Việt Nam, đặc biệt là với chị em phụ nữ. Me có giá trị dinh dưỡng cao và còn hỗ trợ đắc lực cho hệ tiêu hóa và mục tiêu giảm cân.

Thực phẩm này chứa nhiều chất xơ và axit béo không no, đây đều là những chất có thể làm giảm nguy cơ xơ cứng động mạch. Đồng thời, hoạt chất mà me sở hữu có thể giúp thải mật, từ đó cải thiện chức năng của túi mật, giảm mỡ xung quanh gan và giảm mức cholesterol trong cơ thể.

Vì vậy, ăn me với một liều lượng hợp lý và đều đặn sẽ rất tốt cho gan, nhất là bệnh nhân gan nhiễm mỡ.

Rau chân vịt

Chống béo dịp lễ 2/9 nhờ 3 xanh, một vàng là khắc tinh mỡ xấu - 4

Rau chân vịt chứa nhiều dưỡng chất có lợi (Ảnh: Getty).

Rau chân vịt không chỉ ngon miệng mà còn chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe tim mạch, bao gồm chất xơ, kali, và axit folic. Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng rau chân vịt có thể giúp kiểm soát cholesterol máu.

Một nghiên cứu được công bố trong "The Journal of Nutrition" năm 2015 đã điều tra tác động của tiêu thụ rau chân vịt đối với cholesterol máu.

Trong nghiên cứu này, các tình nguyện viên đã tham gia vào một chế độ ăn chứa rau chân vịt trong vòng 8 tuần. Kết quả cho thấy có sự giảm cholesterol LDL và tăng cholesterol HDL (cholesterol tốt) đáng kể.

Nghiên cứu khác công bố trong "The American Journal of Clinical Nutrition" đã xem xét tác động của axit folic trong rau chân vịt đối với sức khỏe tim mạch.

Axit folic được tìm thấy trong rau chân vịt và có khả năng giảm mức homocysteine, một hợp chất có thể gây tổn thương mạch máu và tăng nguy cơ bệnh tim mạch.