1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chó có thể liên quan đến bệnh viêm gan "bí ẩn" ở trẻ?

Minh Nhật

(Dân trí) - Ngành y tế Anh đang điều tra xem liệu chó có đứng sau sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ em hay không.

Tranh cãi về mối liên quan giữa chó và bệnh viêm gan bí ẩn

Theo Telegraph, Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) vừa qua cho biết, số ca viêm gan " bí ẩn" được ghi nhận tại đất nước này đã tăng từ 18 ca vào tuần trước lên 163 ca, trong đó có 11 trẻ em được ghép gan vì gan bị tổn thương nặng.

Dịch viêm gan bí ẩn ở trẻ em hiện đã được ghi nhận ở nhiều châu lục và gây báo động trên toàn cầu.

Chó có thể liên quan đến bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ? - 1

Các quan chức y tế Anh nêu ra trong báo cáo, adenovirus, một loại virus thường gây ra cảm lạnh thông thường, vẫn được cho là nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên, báo cáo này cũng thông tin thêm rằng, "số lượng tương đối cao" trẻ em bị bệnh - 70% trong số 93 người trả lời khảo sát - đến từ các gia đình có nuôi chó, hoặc từng tiếp xúc với vật nuôi trước khi mắc bệnh.

"Ý nghĩa của phát hiện này đang được nghiên cứu thêm", báo cáo nêu rõ.

Giới chức nước này cũng lưu ý rằng, việc nuôi chó là phổ biến ở Anh và có "dữ liệu hạn chế về tỷ lệ sở hữu vật nuôi trong các gia đình có trẻ nhỏ", nên rất khó để đánh giá tầm quan trọng của dữ liệu.

Mặc dù đa số ý kiến cho rằng, mối liên hệ giữa chó và bệnh viêm gan bí ẩn ở trẻ là không lớn, nhưng còn quá sớm để loại bỏ bất kỳ giả thuyết tiềm năng nào dựa trên kết quả cuộc khảo sát.

Về vấn đề này, Giáo sư Francois Balloux, Giám đốc Viện Di truyền Đại học London (Anh), cho biết rằng ông không thể nghĩ ra bất kỳ lời giải thích hợp lý nào cho mối liên hệ giữa việc tiếp xúc với chó và bệnh viêm gan ở trẻ em.

GS Francois chia sẻ với Telegraph: "Những con chó mang adenovirus của chúng, bao gồm cả CAV-1, một tác nhân gây bệnh gan cho chó, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy CAV-1 có thể lây nhiễm sang người".

Tiến sĩ Meaghan Kall, một nhà dịch tễ học tại UKHSA, chia sẻ trên Twitter rằng, điều này (mối liên hệ giữa chó và bệnh viêm gan bí ẩn - PV) có vẻ "quá xa vời".

Giãn cách xã hội có thể là một nguyên nhân

Theo UKHSA, có khả năng là các yếu tố khác đang đẩy nhanh sự lây nhiễm của dịch viêm gan bí ẩn.

Một giả thuyết cho rằng, các biện pháp giãn cách xã hội để chống Covid-19 có thể đã làm suy yếu khả năng miễn dịch của trẻ em, vì chúng ít tiếp xúc với các mầm bệnh thông thường trong khi cách ly.

Một khả năng khác là có một "làn sóng nhiễm adenovirus đặc biệt lớn", điều này khiến các biến chứng hiếm gặp khi nhiễm adenovirus đã xuất hiện nhiều hơn, hoặc đây là một biến thể adenovirus mới.

Tiến sĩ Meera Chand, Giám đốc lâm sàng và các bệnh nhiễm trùng mới nổi tại UKHSA, đã kêu gọi các bậc cha mẹ chú ý đến các triệu chứng của bệnh viêm gan. Triệu chứng phổ biến nhất, gặp ở hơn 70% trẻ em, là vàng da.

Bà nói: "Điều quan trọng là các bậc cha mẹ phải biết khả năng con mình phát triển bệnh viêm gan là cực kỳ thấp. Tuy nhiên, chúng tôi tiếp tục nhắc nhở mọi người cảnh giác với các dấu hiệu của bệnh viêm gan, đặc biệt là vàng da, hãy để ý màu vàng trong lòng trắng của mắt".

Lo ngại bệnh viêm gan bí ẩn, Việt Nam giám sát các ca nghi ngờ

Theo thông tin cập nhật từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 3/5, trên thế giới đã ghi nhận 228 trường hợp trẻ bị viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân tại 20 quốc gia thuộc khu vực châu Âu, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, trong đó đã có 4 trường hợp tử vong.

Để chủ động giám sát các ca bệnh viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân tại Việt Nam và kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng đề nghị các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình, phân tích dịch tễ bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân trên thế giới. Đồng thời, phối hợp với địa phương lấy mẫu, xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân và báo cáo ngay những trường hợp bất thường, đánh giá nguy cơ, đề xuất các biện pháp phòng chống tại Việt Nam gửi về Cục Y tế dự phòng.

Theo www.telegraph.co.uk