Chế độ ăn uống phòng ngừa ung thư
Ung thư có thể là do một rối loạn cân bằng tế bào, hoặc tế bào phân chia không đồng đều, hoặc do đột biến gen cấu trúc hoặc gen điều hòa.
Theo các chuyên gia y tế, trong những nguyên nhân dẫn đến ung thư, hút thuốc lá chiếm 1/3 (25 - 30%), dinh dưỡng chiếm 1/3 (30 - 35%), các yếu tố khác bao gồm: Di truyền (5 - 10%), nhiễm trùng (15 - 20%), nhiễm xạ (10%), stress, kém vận động và ô nhiễm môi trường.
Béo phì là một tình trạng liên quan đến chế độ dinh dưỡng (nhiều mỡ và chất bột đường, vận động ít), đồng thời nó cũng chịu trách nhiệm cho khoảng 14% số ung thư ở nam giới và 20% ung thư ở nữ giới. Béo phì dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh ung thư mô nội tiết: buồng trứng, tử cung, vú, tiền liệt do cơ chế làm tăng estrogen, thúc đẩy đề kháng insulin; ung thư tế bào thận; ngoài ra cũng làm tăng đáng kể các nguy cơ mắc các loại ung thư khác.
5 biện pháp phòng ngừa ung thư, dinh dưỡng đứng hàng thứ nhất bên cạnh vận động, tinh thần, bổ sung vi chất và trẻ hóa cơ thể. Phòng ngừa ung thư cần một chế độ ăn tốt và bền vững qua nhiều năm. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh dinh dưỡng liên quan đến ung thư như chất béo bão hòa, các thực phẩm có chỉ số glycemic cao, đạm động vật…
Do đó, nguyên tắc ăn uống phòng ngừa ung thư là chế độ ăn giàu trái cây và rau củ; chế độ ăn giới hạn năng lượng; giàu chất xơ; vi chất và dưỡng chất chống oxy hóa. Các dưỡng chất chống ung thư bao gồm: vitamin C, Carotenoid (β - carotene, lycopene - cà chua), vitamin E, selenium, chất xơ, hợp chất allyl (tỏi, hành, rau thơm…) cho thấy ức chế tạo u trong phòng thí nghiệm và giúp giảm ung thư, đặc biệt là dạ dày; isothiocyanate (bông cải).
Trong phòng ngừa ung thư, đồng nghĩa với bảo vệ sức khỏe, bao gồm đảm bảo và duy trì cân nặng lành mạnh, nhiều thực phẩm từ thực phẩm (ngũ cốc, hạt), hoạt động thể chất đều đặn, giới hạn tiêu thụ rượu bia. Chúng ta cần ăn đủ năng lượng, nhưng không quá nhiều; bữa ăn nhiều màu sắc; thức ăn thô ít chế biến; ưu tiên thực vật và mỡ từ cá biển. Chế độ ăn giới hạn calorie có tính chất ức chế u, bảo vệ mô mỡ khỏi viêm, giảm đề kháng insulin, tăng chuyển hóa insulin ở cơ.
Một số thức ăn tốt bao gồm: Trà xanh; dầu ô-liu; đậu nành (đậu hũ, sữa đậu nành, bột đậu nành); rượu vang đỏ (1ly/ ngày) giúp giảm đường máu, duy trì cân nặng, giảm viêm; nhờ đó chống oxi hóa, kích thích chữa tế bào bị tổn thương, giảm cứng mạch máu, ngăn tình trạng viêm mạn tính; gừng, tỏi, nho, chanh, hành, hương thảo…
Nên sử dụng sữa sạch không hóa chất (organic). Sữa cũng giàu chất chống ung thư: Làm chậm tiến triển u, tăng chết tế bào ung thư, giảm nguy cơ ung thư vú, vitamin K2 kiểm soát tạo mạch máu, hình thành mạch máu mới. Các sản phẩm có lợi cho sức khỏe: bơ, phô mai, yaourt.
Chúng ta cũng nên hạn chế đường; không lạm dụng rượu; không dùng thức ăn chiên sâu như khoai tây chiên, thịt lợn quay giòn, mỡ động vật gây tăng mỡ máu, bệnh tim mạch, ung thư. Khi dùng bao bì là bình nhựa: Chỉ chọn mã phân loại bình nhựa số 2, 4, 5. Bình nhựa chứa nhiều chất độc hại có thể dẫn đến ung thư vú, não, tiền liệt…, và liên quan đến bệnh tim mạch, hen, rối loạn sinh dục, đột biến phôi thai.