Chế độ ăn hợp lý phòng bệnh ung thư

Tỷ lệ người mắc ung thư tại nước ta đang gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Ngoài việc duy trì lối sống lành mạnh, khám bệnh định kỳ, thì người dân cần duy trì chế độ ăn hợp lý, lành mạnh.

Nguy cơ ung thư từ thói quen ăn uống

Nếu như trước đây, bệnh ung thư đại trực tràng chủ yếu xuất hiện ở những người trên 50 tuổi thì gần đây, tại Bệnh viện K đã tiếp nhận điều trị cho những trường hợp chỉ mới 20 tuổi đã mắc căn bệnh này. Hiện tại, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 5 trường hợp mắc ung thư đại trực tràng và số ca mắc có xu hướng gia tăng.

Chế độ ăn hợp lý phòng bệnh ung thư  - 1
Tầm soát, sàng lọc ung thư tại Bệnh viện K.

Phó Giám đốc Bệnh viện K Nguyễn Tiến Quang cảnh báo, nguyên nhân khiến ung thư đại trực tràng ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới đang tăng nhanh là do liên quan trực tiếp đến lối sống, chế độ ăn uống. Lối sống công nghiệp, hiện đại khiến người dân nạp nhiều đồ ăn nhanh, đồ chiên rán, tiêu thụ nhiều thịt đỏ chứa chất béo, muối; uống nhiều rượu, bia, hút thuốc lá…, trong khi lại ăn ít trái cây, rau xanh và lười vận động. Ung thư đại trực tràng hiện trong danh sách các bệnh ung thư phổ biến nhất ở nước ta, đứng sau ung thư gan, phổi, dạ dày và vú.

Theo dự báo đến năm 2025, ung thư đại trực tràng sẽ vươn lên hàng thứ 2 ở nam giới và thứ 4 ở nữ giới.

Còn theo Tiến sĩ Phạm Quang Trung, khoa Xạ trị - Xạ phẫu (Bệnh viện trung ương Quân đội 108), thực phẩm vừa đóng vai trò phòng ngừa, bảo vệ, vừa là nguy cơ của các loại ung thư. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự ảnh hưởng của các yếu tố dinh dưỡng đối với nguy cơ phát triển các loại bệnh ung thư. Chẳng hạn, việc lạm dụng đồ uống có cồn, thịt đỏ, thịt nguội và muối sẽ thúc đẩy sự phát triển một số loại ung thư: Ruột, dạ dày, gan… Sự cân bằng quá trình tiêu thụ các loại thực phẩm cũng là một cách để giảm thiểu những nguy cơ xuất hiện bệnh ung thư.

Đề cập đến tác nhân gây mất an toàn thực phẩm, làm gia tăng nguy cơ gây bệnh ung thư, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long cho rằng, có 3 nhóm tác nhân chính.

Nhóm thứ nhất là vi sinh: Thực phẩm không được rửa sạch, không được nấu chín kỹ, không được bảo quản đúng cách… là tác nhân chủ yếu gây ra các vụ ngộ độc cấp tính.

Nhóm thứ hai là hóa học: Thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư trên thực phẩm, phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép… xâm nhập vào cơ thể, về lâu dài đều có thể là tác nhân gây ra bệnh ung thư. Ngoài ra, còn có rất nhiều những chất tự sinh có sẵn trong thực phẩm, như: củ khoai tây mọc mầm, khoai bị hà, lạc bị mốc, dưa muối bị hỏng..., nếu ăn cũng có thể gây ung thư.

Nhóm thứ ba là về vật lý: Thực phẩm có thể nhiễm phóng xạ cũng gây ra bệnh ung thư. Trong 3 tác nhân trên, nhóm hóa học liên quan đến nguy cơ gây bệnh ung thư nhiều nhất.

Mỗi ngày nên phối hợp 5 loại rau quả, trái cây

Chế độ ăn hợp lý phòng bệnh ung thư  - 2
Người dân cần lựa chọn những thực phẩm an toàn cùng chế độ ăn uống hợp lý để phòng bệnh ung thư. Ảnh: Thiên Trường

Tại Việt Nam hiện có khoảng 300.000 người đang phải chiến đấu với bệnh ung thư. Trung bình mỗi năm, nước ta có gần 165.000 ca mắc mới và 115.000 bệnh nhân tử vong. Ở nam giới, ung thư phổi chiếm tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu, tiếp đến là dạ dày, gan, đại trực tràng. Ở nữ giới lần lượt là ung thư vú, dạ dày, phổi...

Để ngăn chặn bệnh ung thư nói chung và tình trạng trẻ hóa ung thư nói riêng, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khuyến cáo, việc đầu tiên người dân cần làm là ngăn chặn nguồn lây nhiễm. Chẳng hạn, không ăn dưa bị hỏng, bởi trong đó có chứa nhiều chất nitrosamine là nguyên nhân gây ung thư vòm họng và ung thư vùng cổ; không ăn gạo mốc do có chất aflatoxin gây ung thư gan. Ngoài ra, phải thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng. Đặc biệt, người dân phải nói không với thuốc lá, hạn chế lạm dụng rượu, bia.

Tiến sĩ Phạm Quang Trung, khoa Xạ trị - Xạ phẫu (Bệnh viện trung ương Quân đội 108) cũng lưu ý đến chế độ ăn uống khoa học. Cụ thể, ăn trái cây và rau quả thường xuyên sẽ giảm thiểu nguy cơ mắc nhiều loại bệnh ung thư: khoang miệng, thanh quản, vòm họng, thực quản, dạ dày và phổi. Do đó, trong một ngày nên ăn ít nhất 5 loại rau quả, trái cây khác nhau. Phối hợp ăn 3 loại trái cây và 2 loại rau; hoặc ăn 4 loại rau và một loại trái cây (tương đương với 400g/ngày).

Ngoài ra, hằng ngày, mỗi người nên ăn thường xuyên những thực phẩm có chứa chất xơ, thực phẩm có nguồn gốc từ sữa…, giúp phòng ngừa ung thư đại trực tràng. Đặc biệt, nên giảm lượng muối khi nấu ăn và hạn chế tiêu thụ thịt đỏ dưới 500g/tuần, thay thế bằng các loại thịt gia cầm, cá và trứng.

“Cùng với chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, người dân nên duy trì việc khám sức khỏe tối thiểu từ 1 đến 2 lần một năm để tầm soát, phát hiện sớm các loại ung thư. Bởi, nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phác đồ, thì sẽ có cơ hội khỏi bệnh, kéo dài tuổi thọ”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Dòng sự kiện: Dự phòng ung thư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm