Chăm sóc người bệnh ung thư bị sưng, phù, cổ trướng
(Dân trí) - Ung thư và điều trị ung thư có thể là nguyên nhân gây ra sưng, còn được gọi là phù hoặc cổ trướng, tùy thuộc vào khu vực cơ thể bị ảnh hưởng.
Sưng hoặc phù nề
Sưng hoặc phù nề là tình trạng tích tụ chất lỏng trong các mô. Điều này có thể gây ra do việc muối và nước bị tích lại khi sử dụng một số loại thuốc. Đây cũng có thể là dấu hiệu của suy tim, suy gan, suy thận hoặc mất chức năng một số cơ quan. Các nguyên nhân khác có thể bao gồm phẫu thuật, nhiễm trùng, dinh dưỡng kém, khối u phát triển, hoặc có sự tắc nghẽn.
Phù xảy ra do các hạch bạch huyết bị tắc nghẽn hoặc bị cắt bỏ khiến lưu thông bạch huyết bị ảnh hưởng được gọi là phù bạch huyết.
Một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu có thể giúp giảm phù. Chúng kích thích thận loại bỏ Natri và nước ra khỏi cơ thể, vì vậy bệnh nhân sẽ đi tiểu thường xuyên hơn và dịch được đào thải ra ngoài nhiều hơn. Nhưng thuốc lợi tiểu có thể có những tác dụng phụ nguy hiểm. Bệnh nhân nên trao đổi với bác sỹ để tìm hiểu thêm về những tác dụng phụ này nếu được kê đơn thuốc lợi tiểu để chữa sưng hoặc phù nề.
Cổ trướng
Cổ trướng (còn gọi là bụng báng) là sự tích tụ dịch quá mức trong ổ bụng do áp lực từ các khối u. Nó có thể gây ra cứng bụng và căng phồng (chướng bụng). Bệnh nhân cổ trướng cũng có thể bị buồn nôn, nôn và mệt mỏi. Đôi khi dịch có thể tràn vào phổi gây khó thở. Cố trướng phổ biến ở một số bệnh nhân ung thư ở giai đoạn nặng và di căn vào ổ bụng, bao gồm ung thư buồng trứng, gan, đại tràng, dạ dày và tụy. Đôi khi phương pháp hóa trị hoặc phẫu thuật có thể giúp kiểm soát cổ trướng.
Một thủ thuật thông thường giúp làm giảm lượng dịch được gọi là chọc hút dịch. Chọc hút dịch giúp giảm đau tạm thời và có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tuần, nhưng dịch thường quay trở lại. Đôi khi có thể dùng một ống dẫn lưu đặt và lưu trong ổ bụng, cho phép dịch thoát ra ngoài khi cần thiết.
Triệu chứng
Khó thở, đặc biệt là khi nằm.
Nhịp tim nhanh hoặc đánh trống ngực (cảm thấy nhịp tim nhanh hoặc không đều).
Bàn chân và cẳng chân to ra (sưng lên), thường là khi bạn ngồi trên ghế, đứng hoặc đi bộ.
Cảm thấy ngón tay đeo nhẫn chật hơn.
Cảm thấy tay bị bóp chặt khi nắm lại.
Bụng to, cứng hoặc phồng lên.
Khó mặc quần hoặc trang phục.
Người bệnh nên làm gì:
Hạn chế ăn mặn. Tránh sử dụng muối trong nấu ăn và không ăn thực phẩm nhiều natri (kiểm tra nhãn thực phẩm). Trao đổi bác sỹ về chế độ dinh dưỡng cần thiết.
Ăn uống tốt nhất có thể.
Uống thuốc theo chỉ định.
Nếu bàn chân hoặc cẳng chân của bạn bị sưng, hãy nằm nghỉ tại giường và kê hai chân lên 2 chiếc gối.
Khi ngồi lên ghế, hãy giữ chân nâng cao bằng cách ngồi trên ghế có phần kê chân hoặc đặt chân lên ghế đôn có kê gối.
Người chăm sóc nên làm gì:
Theo dõi bất kỳ triệu chứng mới nào, đặc biệt là khó thở hoặc sưng mặt.
Khuyến khích bệnh nhân kê, tựa phần cơ thể bị sưng phù ở mức thoải mái nhất khi nằm hoặc khi ngồi.
Học cách đọc nhãn ghi chỉ số dinh dưỡng trên bao bì thực phẩm và trao đổi với bác sỹ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về cách giảm lượng muối trong chế độ ăn.
Không thêm muối, nước tương hoặc bột ngọt khi nấu ăn hoặc chế biến thức ăn.
Cân bệnh nhân từ 1 - 2 ngày/lần trên cùng một chiếc cân, vào cùng một thời điểm trong ngày. Ghi lại các chỉ số cân nặng theo ngày tháng.
Gọi cho bác sĩ điều trị ung thư khi:
Bụng cứng, căng hoặc phồng lên.
Nhận thấy vùng sưng/phù đỏ lên hoặc sờ nóng.
Khó thở hoặc tim đập nhanh.
Không thể ăn từ một ngày trở lên.
Không đi tiểu hoặc đi tiểu ít từ một ngày trở lên.
Chỉ có một cánh tay hoặc chân bị sưng lên.
Có thể ấn một ngón tay vào vùng bị sưng và vết lõm vẫn còn sau khi nhấc ngón tay ra.
Vùng sưng lan ra chân hoặc cánh tay.
Bị sưng vùng mặt và cổ, đặc biệt là vào buổi sáng.
Tăng cân nhiều trong vài tuần hoặc ít hơn.