Phát hiện sớm và điều trị ung thư phổi như thế nào?

Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, ung thư phổi là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 2 thế giới (chiếm 11,4%) với khoảng 2,2 triệu ca mắc mới. Đây là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các loại ung thư ở cả 2 giới với gần 1,8 triệu ca tử vong.

Ung thư phổi - hiểu đúng sống khỏe

Ung thư phổi được xem là căn bệnh âm thầm bởi các triệu chứng đa phần không đặc hiệu nên dễ nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp thông thường. Để phát hiện sớm bệnh ung thư phổi, những người khỏe mạnh ở độ tuổi từ 55 đến 74, người có tiền sử hút thuốc là những đối tượng nên tầm soát ung thư phổi hằng năm. Sàng lọc cũng được khuyến cáo cho những người đã tiếp xúc với các chất độc hại và ô nhiễm môi trường bao gồm khói thuốc lá, amiăng, radon, asen, phóng xạ và các hóa chất khác.

Phát hiện sớm và điều trị ung thư phổi như thế nào? - 1

Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ chính gây ung thư phổi. Trong khói thuốc lá có khoảng 4.000 hoạt chất gây độc hại cho cơ thể, đặc biệt chất 3-4 benzopyzen là tác nhân gây ung thư rất rõ trong thực nghiệm. Vì vậy có những người được chẩn đoán ung thư phổi nhưng không hút thuốc, mà có thể đã tiếp xúc với một số lượng đáng kể khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động, hít phải khói thuốc lá trong thời gian dài).

Một số biểu hiện cơ bản của bệnh:

- Ho: Khoảng 70% người ung thư phổi có biểu hiện này, ho kéo dài, ho khan, ho có đờm hoặc ho ra máu.

- Khó thở, khò khè, khàn tiếng, đau tức ngực lưng, vai: Các cơn đau dai dẳng, tăng lên khi ho hay hít thở sâu.

- Sụt cân nhanh chóng và không rõ nguyên nhân.

- Thường xuyên bị nhiễm trùng đường hô hấp.

Các phương pháp điều trị ung thư phổi

Hiện nay, nhiều phương pháp điều trị ung thư phổi như điều trị tại chỗ (phẫu thuật, xạ trị), điều trị toàn thân (hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch) hoặc phối hợp đa mô thức.

Phẫu thuật thường được áp dụng với những trường hợp chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn sớm nhằm điều trị triệt căn khi khối u còn nhỏ, chưa di căn, sức khỏe người bệnh chưa bị ảnh hưởng nhiều và đáp ứng điều trị khá tốt.

Xạ trị là phương pháp khá phổ biến, dùng bức xạ năng lượng cao có thể tiêu diệt các tế bào ác tính đang phân chia nhanh chóng.

Hóa trị là phương pháp áp dụng các loại thuốc gây độc tế bào vào cơ thể để phá hủy các tế bào ác tính. Phương pháp này có thể gây ra một số tác dụng phụ như mệt mỏi, buồn nôn, rụng tóc, tiêu chảy,…

Liệu pháp điều trị trúng đích tấn công và ngăn chặn những phân tử đặc hiệu liên quan đến sự phát triển của khối ung thư (còn gọi là phân tử đích), có tác động lên tế bào ung thư nhiều hơn tế bào bình thường.

Liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư giúp chống lại khả năng lẩn trốn của tế bào ung thư khỏi hệ miễn dịch của cơ thể. Liệu pháp này kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận ra, tấn công và tiêu diệt các tế bào lạ.

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Vinh Quang (Giám đốc - Bệnh viện Ung bướu Hà Nội): "Y học những năm gần đây đã có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực điều trị ung thư như liệu pháp điều trị trúng đích hay miễn dịch, giúp kéo dài thời gian cho người bệnh và hạn chế các tác dụng phụ so với hóa trị. Bên cạnh điều trị, người bệnh cũng nên lưu ý là phải luôn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ; ăn uống điều độ để đề cao sức đề kháng cho cơ thể, và tập thể dục thể thao để rèn luyện thể chất".

Đồng hành cùng người bệnh ung thư phổi

Với những tiến bộ trong lĩnh vực điều trị, nhằm đồng hành cùng người bệnh ung thư phổi trong việc tiếp cận liệu pháp điều trị tối ưu, các chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí một phần cho người bệnh ung thư phổi đang được triển khai tại một số cơ sở khám, chữa bệnh có chuyên khoa ung bướu trên cả nước. Chương trình nhằm mục tiêu chia sẻ gánh nặng điều trị, giúp người bệnh viết tiếp câu chuyện ước mơ của bản thân.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm