Cảnh sát mạnh tay xử lý nồng độ cồn và sự khác thường trong bệnh viện | Báo Dân trí

Cảnh sát mạnh tay xử lý nồng độ cồn và sự khác thường trong bệnh viện

Dương Nguyên

(Dân trí) - Số bệnh nhân nhập viện liên quan tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia tại Hà Tĩnh đã giảm mạnh. Bác sĩ cho rằng đây là hiệu quả từ việc cơ quan chức năng mạnh tay trong xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Sáng 17/10, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, khoảng một tháng nay, số bệnh nhân nhập viện do tai nạn giao thông có xu hướng giảm, đặc biệt lượng bệnh nhân nhập viện do sử dụng rượu bia giảm mạnh.

Cụ thể, thời điểm này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đang điều trị duy nhất cho trường hợp bị tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn.

Cảnh sát mạnh tay xử lý nồng độ cồn và sự khác thường trong bệnh viện - 1

Thời gian qua, số lượng bệnh nhân bị tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn nhập viện giảm hẳn ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh (Ảnh: Dương Nguyên).

Theo báo cáo của cơ sở y tế này, 9 tháng năm 2023 (từ 15/12/2022 đến 14/9), tổng số bệnh nhân chấn thương sọ não là 143 (giảm 132 bệnh nhân so với cùng kỳ), trường hợp vào viện do tai nạn giao thông, xét nghiệm có nồng độ cồn trong máu là 254 trường hợp (giảm 123 bệnh nhân).

Còn tổng số trường hợp tai nạn giao thông vào viện được xác định vi phạm nồng độ cồn trong máu có 27 bệnh nhân (giảm 114 bệnh nhân so với 9 tháng năm 2022).

Các bác sĩ cho rằng thời gian qua, việc cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn mạnh tay, không có "vùng cấm", không có ngoại lệ đã đem lại những hiệu quả tích cực.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Trần Tiền, Khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, cho biết việc uống rượu bia không chỉ gây hại cho sức khỏe, mà khi tham gia giao thông, người uống rượu bia sẽ không kiểm soát được hành vi, các giác quan nên tai nạn rất dễ xảy ra.

Cảnh sát mạnh tay xử lý nồng độ cồn và sự khác thường trong bệnh viện - 2

Bác sĩ Trần Tiền, Khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh (Ảnh: Dương Nguyên).

Điều đó không chỉ gây họa cho bản thân, người đi cùng trên phương tiện mà còn gây nguy hiểm cho người khác.

Trước đây, tần suất bệnh nhân bị tai nạn giao thông liên quan sử dụng rượu bia vào khoa Cấp cứu chống độc khá nhiều. Việc bệnh nhân ở trong tình trạng như vậy gây nhiều khó khăn cho quá trình xử trí, cấp cứu của các bác sĩ.

"Chúng tôi từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân sử dụng quá nhiều rượu bia, bị tai nạn giao thông nặng vào viện trong tình trạng loạn thần, đa chấn thương, hôn mê, nặng nhất ngừng tuần hoàn. Những trường hợp thế này, họ vào viện nhưng khó hợp tác hoặc không thể hợp tác với bác sĩ trong việc phối hợp, khai thác thông tin", bác sĩ Trần Tiền thông tin.

Cũng theo bác sĩ, có những ca hôn mê, không có người thân bên cạnh, không xác định được thông tin danh tính, địa chỉ nên bệnh viện phải ghi "chưa xác định được thông tin" rồi tiến hành cứu người.

Cảnh sát mạnh tay xử lý nồng độ cồn và sự khác thường trong bệnh viện - 3

Các bác sĩ cho rằng việc cơ quan chức năng mạnh tay trong xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn thời gian qua đã có hiệu quả tại Hà Tĩnh (Ảnh: Công an Hà Tĩnh).

Cũng không ít trường hợp ngoài bệnh nhân còn có người nhà, bạn bè đi cùng vào viện cũng đã sử dụng rượu, bia. Họ đến khoa cấp cứu rất đông trong tình trạng kích thích, hưng phấn rồi lớn tiếng, chửi bới, dọa dẫm nhân viên y tế.

Hoặc những ngày đỉnh điểm trước kia, bệnh nhân liên quan đến tai nạn giao thông đã sử dụng rượu bia vào viện hàng loạt, 5-6 bệnh nhân một lúc khiến các bác sĩ gặp nhiều áp lực trong việc cứu chữa.

"Sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, pháp luật đã khuyến cáo và có mức phạt lỗi rất cao. Vì thế, người đã sử dụng rượu bia rồi không nên tự mình lái xe. Thay vào đó, chúng ta có thể gọi taxi, dịch vụ lái xe hộ để trở về nhà... để đảm bảo an toàn cho mình và cho người khác", bác sĩ khuyến cáo.