1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM:

Cảnh báo về việc áp thầu nguồn thuốc cho các bệnh viện công

Trước thực tế thiếu thuốc tại các bệnh viện ở TPHCM được dư luận lên tiếng trong những ngày gần đây, TPHCM đã nhanh chóng chữa cháy bằng cách đề nghị các bệnh viện áp thầu theo giá trúng thầu của Bệnh viện Chợ Rẫy. Việc áp thầu này đã bị BHXH VN cảnh báo là lãng phí…

BV công trên địa bàn thành phố lo hết thuốc, sở đề nghị áp thầu.

BV công trên địa bàn thành phố lo hết thuốc, sở đề nghị áp thầu.

 

Tại sao phải áp thầu?

 

Câu hỏi đặt ra, tại sao có hiện tượng thiếu thuốc xảy ra và TPHCM là một TP lớn lại triển khai áp thầu theo giá trúng thầu của Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy? Báo Lao Động xin nói rõ về việc trên để bạn đọc được hiểu: Ngay từ đầu tháng 7.2013, nhiều lãnh đạo BV chuyên khoa, đa khoa ở TPHCM lên tiếng cảnh báo sẽ thiếu thuốc điều trị do hợp đồng cung ứng thuốc đã hết hiệu lực.

 

Một tháng sau, việc cảnh báo đã trở thành hiện thực. Các BV đã nhanh chóng gửi báo cáo đến Sở Y tế TPHCM và đề nghị đưa ra phương án tìm nguồn thuốc cung ứng, nếu không sẽ không có thuốc điều trị trong thời gian tới. Tuy vậy, đến giữa tháng 8, sở vẫn chưa có hướng dẫn mới, không đưa ra hình thức mua sắm để cho các BV tìm được nguồn thuốc chữa bệnh.

 

Lãnh đạo Sở Y tế cho rằng, sẽ không gia hạn thầu mà phải đấu thầu tập trung vì nghi ngờ có “lợi ích nhóm” trong việc đấu thầu thuốc tại các BV. Việc đấu thầu sẽ giao Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công (thuộc Sở Y tế) đảm nhận. Nghịch lý ở chỗ, trung tâm này đã được thành lập 9 tháng nhưng chỉ có... 2 nhân sự hoạt động và chưa có giám đốc. Trong khi đó, nhiệm vụ đặt ra rất cấp bách và nặng nề như đấu thầu thuốc tập trung, mua sắm trang thiết bị, hóa chất... cho tất cả các BV công trên địa bàn TP, với ước tính bằng số lượng của 30 tỉnh, thành cộng lại.

 

 Chính vì chưa có sự chuẩn bị và kế hoạch rõ ràng, nên Trung tâm đấu thầu không thể triển khai kịp tiến độ đề ra. Điều này đã dẫn đến hệ quả: BV chắc chắn thiếu thuốc do hợp đồng gia hạn cung ứng thuốc năm 2012 đã hết hiệu lực từ tháng 6.2013.

 

Để giải quyết chuyện này, TP đã chủ trương lấy kết quả trúng thầu thuốc của BV Chợ Rẫy áp cho các BV của thành phố trong khi chờ đấu thầu. Câu hỏi đặt ra, liệu giá thuốc trúng thầu vào BV Chợ Rẫy có thực sự là giá tốt nhất và danh mục thuốc mà BV Chợ Rẫy có bao phủ được tất cả trong khi BV này không có thế mạnh về sản, nhi?

 

 Giá áp thầu có thực sự chuẩn?

 

Giá thuốc cao sẽ là gánh nặng cho cơ quan bảo hiểm và cả người bệnh.

 

Qua tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, bên cạnh một số mặt hàng giảm giá, nhiều mặt hàng thuốc trúng thầu vào BV Chợ Rẫy có giá cao bất thường. Chẳng hạn thuốc Esomeprazole Sodium 40mg của Ấn Độ do Cty dược Vĩnh Phúc cung cấp trúng thầu vào BV Chợ Rẫy có giá 8.500 đồng, trong khi trúng thầu vào Sở Y tế Quảng Ninh chỉ hơn 4.300 đồng; thuốc Gabapentin viên 400mg, của Cty VN Pharma trúng thầu vào BV Chợ Rẫy có giá gần 6.400 đồng, trong khi trúng thầu vào Sở Y tế Bình Phước với giá 4.200 đồng…

 

Đó là chưa kể thuốc có hàm lượng lạ vào BV với giá trúng thầu cao như thuốc Ciprpfloxaci của Việt Nam sản xuất có hàm lượng 400mg/200ml trúng thầu ở BV Chợ Rẫy giá 95.000 đồng, trong khi ở Đồng Nai hàm lượng 200mg/100ml chỉ hơn 17.000 đồng; Tobramycin Inf 80mg/ 100ml cũng có giá cao gần gấp hai lần so với kết quả trúng thầu vào Hậu Giang.

 

 Trước thông tin UBND TP chỉ đạo sẽ áp theo giá thầu của BV Chợ Rẫy (tuyến trung ương), ngay lập tức BHXH VN đã có công văn gửi đến UBND TP và khẳng định việc này có thể gây lãng phí về nguồn lực tài chính cho thuốc chữa bệnh.

 

 Theo ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Tổng Giám đốc BHXH VN - việc gần như chỉ áp dụng kết quả đấu thầu thuốc năm 2013 của một BV sẽ gây áp lực cho nhà thầu, khả năng không cung ứng đủ lượng thuốc cho nhu cầu điều trị của các cơ sở khám - chữa bệnh trên toàn địa bàn TP; tạo thế độc quyền cho nhà thầu, do vậy nếu giá thuốc trúng thầu cao, cũng khó thực hiện thương thảo điều chỉnh giảm giá thuốc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế tại Chỉ thị số 06/CT- BYT ngày 14.6.2013; thuốc của một BV sẽ không đầy đủ các hoạt chất cần thiết cho nhiều BV khác nhau…Vì thế, TPHCM cần lựa chọn thuốc dựa trên kết quả trúng thầu thuốc của nhiều địa phương và sử dụng giá thuốc phổ biến sẽ giúp tiết kiệm được nhiều nguồn lực tài chính cho BV, đem lại lợi ích thiết thực cho người bệnh, đặc biệt người bệnh BHYT.

 

 Việc căn cứ giá trúng thầu của BV tuyến trung ương để yêu cầu BV công tại TPHCM áp theo giá thầu trên là không hợp lý. Báo Lao Động cũng xin dẫn về việc đấu thầu thuốc có nhiều bất thường tại BV Trung ương Cần Thơ năm 2013, đó là chưa kể khoảng 30 BV tỉnh, thành phố có kết quả trúng thầu nhưng trong đó xuất hiện nhiều chiêu tăng giá thuốc bằng cách tạo hàm lượng lạ không có trong dược thư để “một mình một chợ” trúng thầu. Chỉ một mặt hàng “hớ giá” theo cả nghĩa khách quan lẫn chủ quan, nhưng nếu có số lượng lớn thì sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào…

 

Theo Võ Tuấn

Lao động