Cần đặt thông báo về đường dây nóng tại các phòng bệnh!

(Dân trí) - Thái độ của người bệnh tại nhiều bệnh viện ở Đà Nẵng, Nghệ An, Quảng Bình, Cần Thơ… đối với những đường dây nóng rất khác nhau nhưng đa phần đều mong muốn số máy cần được dán ngay tại khoa phòng và phải được giải quyết ngay khi gọi.

Đường dây nóng bệnh viện: Nơi nóng, nơi nguội!
 Số điện thoại đường dây nóng của Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh ( Nghệ An) được dán ở các phòng khoa để người bệnh tiện liên lạc khi có vấn đề thắc mắc, phản ánh

 

Nghệ An: Chỉ gọi đường dây nóng ngoài giờ hành chính
 

Sau khi Bộ Y tế có công văn chỉ đạo các Bệnh viện phải lập ra một đường dây nóng, tại Nghệ An, nhiều Bệnh viện đã lập ra đường dây nóng có người trực 24/24 để người bệnh kịp thời phản ánh những vấn đề liên quan đến Bệnh viện.

 

Theo ghi nhận của PV Dân trí, tại Nghệ An, đa số các bệnh viện như bệnh viện Đa khoa TP Vinh, bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu đã lập ra đường dây nóng trực 24/24. Tuy nhiên, khi được hỏi về đường dây nóng của bệnh viện, đa số người bệnh không biết nhưng bày tỏ sẽ liên hệ trực tiếp với lãnh đạo bệnh viện để phản ánh nếu có vấn đề.

 
 
Bà Trần Thị Đạm, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Vinh (Nghệ An), cho biết: “Bệnh viện đã lập ra đường dây nóng từ lâu ít nhất cũng đã 20 năm qua rồi và thường chỉ nhận được những phản ánh ngoài giờ hành chính. Còn trực tiếp hàng ngày, dưới phòng khám, ngươi bệnh bức xúc sẽ trực tiếp lên gặp ban giám đốc ngay để họ góp ý. 

 

Nói chung các trường hợp bức xúc chủ yếu là vì họ không hiểu. Ví dụ như khi vào khoa, các bác sĩ họ giải thích không hiểu thì họ gọi. Hoặc các trường hợp bệnh nhân bị nặng khi vào điều tri mà không thấy bác sĩ thì họ cũng phản ánh. Hoặc các trường hợp gây rối do uống rượu…”.

 

Còn tại bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Lưu, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Giám đốc Bệnh viện cho biết: “"Đường dây nóng đã được chúng tôi lập từ khi bệnh viện có. Hiện tại, Sở Y tế đã yêu cầu công khai số điện thoại của Bộ Y tế và Sở Y tế để người bệnh có thể gọi trực tiếp lên phản ánh hay hỏi những vấn đề thắc mắc. Chúng tôi đã lập bảng, dán các số điện thoại đường dây nóng và Sở Y tế lên các phòng khám, nơi đông người bệnh để họ dễ nhìn thấy. Giờ Bộ y tế yêu cầu như thế cũng tạo điều kiện cho chúng tôi có trách nhiệm hơn và chú ý hơn trong công việc để phù hợp với lòng dân, người bệnh và các người quản lý”. Bác sĩ Nam nói.

 

Quảng Bình: Lên gặp trực tiếp lãnh đạo cho nhanh

 

Sáng 26/11, ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế Quảng Bình cho biết, sắp tới Sở sẽ tiến hành chấn chỉnh, củng cố lại số điện đường dây nóng tại tất cả các bệnh viện.

 

Theo ông Cường, từ trước đến nay, 7 bệnh viện đa khoa tuyến huyện và Bệnh viện Y học cổ truyền hoạt động trên địa bàn tỉnh đều đã đăng ký hoạt động số điện thoại đường dây nóng nhằm phục vụ nhu cầu của người bệnh.

 

Ông Cường cho biết thêm, các số điện thoại đường dây nóng ở các bệnh viện trên địa bàn tỉnh với mục đích phục vụ nhu cầu của người bệnh như xin chuyển viện, gọi xe cấp cứu; đồng thời số điện thoại này còn để người dân phản ánh thái độ, cung cách phục vụ của đội ngũ các y, bác sĩ tại bệnh viện.

 

Thực tế, tại bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba đã thêm 3 số điện thoại của ban giám đốc bệnh viện cho hệ thống đường dây nóng tại bệnh viện. Ông Dương Thanh Bình, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba cho biết: “Các số điện thoại này phục vụ 24/24 giờ, được đặt ở tất cả các khoa, những điểm người bệnh dễ nhìn, dễ phát hiện để đáp ứng kịp thời khi người bệnh cần”.

 

Tuy nhiên, thực tế bệnh nhân rất ít gọi cho các đường dây nóng này bởi nếu có việc gì quan trọng thì chạy lên phòng giám đốc tìm gặp và hỏi luôn chứ gọi điện thì biết đến khi khi nào họ mới tới. Bà Trần Thị Kim Liên, Trưởng phòng kế hoạch - tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa TP Đồng Hới cũng xác nhận điều này.

  

Đường dây nóng bệnh viện,… dân chưa biết và không muốn gọi
Vì "tính lạnh" của đường dây nóng ở các bệnh viện nên đa số người dân vẫn thờ ơ, không muốn gọi vào "cầu cứu"

 

Cần Thơ: Bệnh viện Nhi đồng đang xúc tiến lập đường dây nóng của từng khoa
 

Cũng như các bệnh viện Đa khoa TƯ Cần Thơ, bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, ngoài 1 số điện thoại chung, bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ mới đang họp bàn lập đường dây nóng gọi trực tiếp tới từng khoa. Bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết, theo chỉ đạo của Sở y tế TP Cần Thơ, bệnh viện đang xúc tiến làm việc với bưu điện để đăng ký số điện thoại đường dây nóng từ khoa khám bệnh đến giám đốc. Chúng tôi sẽ có buổi họp bàn, phân công cụ thể vụ việc phản ánh qua đường dây nóng cụ thể của khoa, phòng nào thì trưởng khoa đó phải đứng ra giải quyết, hoặc các thành viên trong Ban giám đốc phụ trách từng khối đứng ra trực giải quyết. Cuối cùng nếu giải quyết chưa được mới đưa lên giám đốc.

 

Tại các bệnh viện đã có đường dây nóng từ lâu, ghi nhận từ chị Lê Thị Tám (Hậu Giang) đi chăm nuôi chị bị bệnh gan ở Khoa nội tiêu hoá bệnh viện Đa khoa Trung ương TP Cần Thơ, chị cho biết hoàn toàn không biết đường dây nóng và cũng chẳng nhìn thấy bảng thông báo nào về đường dây này. Theo đó, nên dán số điện thoại đường dây nóng ngay trong phòng bệnh nhân để ai cũng dễ thấy.

 

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết, số đường dây nóng Bệnh viện đa có hàng chục năm nay, được dán khắp nơi và bệnh nhân vẫn gọi đến đó thường xuyên.

 

Còn BS Nguyễn Hoàng Các, Giám đốc bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Đã từ nhiều năm nay, tất cả các bệnh viện ở Sóc Trăng từ tỉnh xuống các huyện, thị xã, thành phố đều đã thiết lập đường dây nóng, có cán bộ y tế trực 24/24 để kịp thời xử lý những phản ánh của người bệnh về những hoạt động chuyên môn trong khám chữa bệnh cũng như trong ứng xử, thái độ của y bác sĩ với bệnh nhân. Đường dây nóng ở các bệnh viện vừa có số máy điện thoại cố định vừa có số điện thoại di động của Ban giám đốc".

 

Đà Nẵng: Bác sĩ đối xử tốt nên không quan tâm đường dây nóng

 

Mặc dù tại các bệnh viện đều có đường dây nóng nhưng nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân lại không biết.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Trưởng phòng nghiệp vụ Y (Sở Y tế Đà Nẵng), đường dây nóng tại các bệnh đã được thành lập từ năm 2004 và ngoài đường dây nóng tại các bệnh viện, Sở y tế cũng đã thành đường dây nóng của Sở dán tại trụ sở và đăng trên website của Sở.

 

Tuy nhiên, khảo sát sáng 26/11 tại Bệnh viện phụ - sản nhi Đà Nẵng cho thấy, nhiều bệnh nhân và người nhân không biết bệnh viện có đường dây nóng bởi họ không có bức xức hay khó chịu gì nhiều để phải phản ánh.

 

Ý kiến của người nhà bệnh nhân về đường dây nóng tại Bệnh viện phụ sản - nhi Đà Nẵng

“Con tui nằm viện đã 3 năm nay nên tui biết bệnh viện có đường dây nóng. Nhưng các bác sĩ và điều dưỡng ở đây đối xử rất tốt nên chúng tôi chưa bao giờ gọi điện đến đường dây nóng cả”, chị Lê Thị Trọng (quận Cẩm Lệ), mẹ của cháu Nguyễn Gia Bảo đang điều bị bệnh ung thư cho biết.  

Bác sĩ Nguyễn Thanh Vân, trường phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện phụ sản – nhi) cho biết, ngày nào nhiều thì có khoảng 10 cuộc điện thoại, ngày ít có khoảng 1 - 2 cuộc. Trước bệnh nhân  phản ánh về việc bệnh nhân đông, giường chật nhưng nay ít thấy họ phản ánh vì số giường bệnh đã được tăng lên gấp rưỡi. Ngoài ra, sáng thứ 2, thứ 3, tầm 9 – 10 giờ rất động bệnh, nhiều bệnh nhân phải chờ lâu nên bức xúc cũng gọi đến đường dây nóng. Hiện nay cũng tôi cũng đã bố trí thêm bác sĩ vào sáng thứ 2 và sáng thứ 3 để giải quyết vấn đề này.

 

Nhóm Phóng viên Y tế