Chấn chỉnh đường dây nóng bệnh viện vì quá... "nguội"!

(Dân trí) - 1.420 đường dây nóng đã được lập tại các cơ sở khám chữa bệnh từ lâu nhưng mới đây Bộ Y tế đã phải ra chỉ thị chấn chỉnh đường dây nóng. Bởi thực tế, ở nhiều bệnh viện, đường dây nóng thực chất chỉ là đường dây “nguội”.

Không gọi vì….

Người dân xem thông tin về đường dây nóng tại BV Bạch Mai (Ảnh: H.Hải)

Không gọi vì….

 

Ngày 25/11 tại Khoa Khám bệnh, bệnh viện Bạch Mai, khảo sát của phóng viên Dân trí cho thấy, nhiều người dân đi khám bệnh không biết đến số điện thoại đường dây nóng. Dù số điện thoại đường dây nóng này được dán ngay tại biển chỉ dẫn, thông báo tại khoa khám bệnh.

 

Tuy nhiên, khi được hỏi là nếu có đường dây nóng, bệnh nhân có phản ánh không thì mỗi người lại tỏ ra không tin tưởng đường dây này sẽ giúp mình giải quyết vấn đề.

 

Chị Vũ Thị Huệ (Ninh Bình) đến BV Bạch Mai khám u ở ngực cho biết: “Mình đến khám, mọi cái làm theo hướng dẫn, lấy số, xếp hàng cũng không có vấn đề gì quá bức xúc. Chỉ mỗi tội chờ lâu quá. Trong quá trình chờ, quan sát mình thấy một số người được chen ngang. Không lẽ cũng gọi đường dây nóng phản ánh, phản ánh xong thì người ta cũng chen xong. Thế nên cứ đợi xếp hàng khám cho yên tâm”.

 

“Điều chúng tôi bức xúc nhất là phải chờ đợi vài tiếng mới đến lượt khám thì khi phản ánh với đường dây nóng có giải quyết khám nhanh cho bệnh nhân được không”, bác Tạ Ngọc Toàn (Ba Đình, Hà Nội) bày tỏ trước sảnh khoa Cấp cứu, Trung tâm chống độc.

 

Lãnh đạo BV Nhi Trung ương cho biết: những bức xúc của bệnh nhân trong công tác khám chữa bệnh thời gian gần đây đã giảm 50% so với trước đó bởi:
 
- Đối với những trường hợp bị phản ánh, bệnh viện sẽ trừ lương, điều chuyển công tác.
 
- Với những trường hợp bị phản ánh hai lần trở lên sẽ thành lập hội đồng kỉ luật để xem xét hình thức kỉ luật.
Tương tự tại BV Nhi Trung Ương, dù nhiều bà mẹ cũng bày tỏ, khó chịu nhất là thái độ “kiệm lời” của bác sĩ, lặng lẽ khám, kê đơn, cắt ngang trình bày của phụ huynh… nhưng cũng lắc đầu, từ chối gọi đến đường dây nóng vì sợ (???).

 

Và cũng có nhiều người lầm tưởng đường dây nóng của bệnh viện là để phục vụ công tác chống dịch hay tư vấn, thắc mắc về sức khỏe, chuyên môn, gọi cấp cứu…. Như tại bệnh viện Chợ Rẫy, số máy đường dây nóng (08)39557114 được công khai khắp các khoa phòng của bệnh viện nhưng hầu hết các cuộc gọi đến chỉ để hỏi về lịch khám bệnh hoặc phản ánh tình trạng phải ngồi chờ do quá tải bệnh nhân.
 

Còn tại bệnh viện bệnh Nhiệt đới, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết: “Hầu hết các cuộc gọi vào đường dây nóng của bệnh viện đều không đúng mục đích. Nhiều hôm tôi trực đường dây nóng, người gọi đến đa phần là để hỏi về tình trạng bệnh và điều trị như thế nào. Có người đang nửa đêm gọi đến hỏi “tôi đi chơi… bị rách bao giờ phải làm sao?”. Bệnh nhân cần phải hiểu đâu là số để tư vấn về bệnh lý và đâu là số để phản ánh thì chất lượng đường dây nóng của ngành y tế mới tăng tính hiệu quả”.

 
Trong khi đó, theo số liệu của khoa Khám bệnh, BV Nhi Trung ương, mỗi ngày khoa tiếp nhận hàng trăm cuộc điện thoại nhưng phản ánh về chuyên môn, thái độ y bác sĩ chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại là hỏi tư vấn về sức khỏe, thời gian khám...
 
Số điện thoại đường dây nóng được dán công khai tại bệnh viện Chợ Rẫy (Ảnh: Vân Sơn)
Số điện thoại đường dây nóng được dán công khai tại bệnh viện Chợ Rẫy (Ảnh: Vân Sơn)

Chưa tạo được lòng tin!

 

Trên thực tế, trong thời gian gần đây, những vụ khiếu nại vượt cấp hay “nhờ cậy” đến truyền thông đều xuất phát từ việc không thể phản ánh những bức xúc cũng như không đồng tình với cách giải quyết thiếu quyết liệt từ các bác sĩ, lãnh đạo khoa…

 

Đơn cử nhà bà Đặng Thị Liên (ngụ tại quận 4, TPHCM), bức xúc: “Tôi có chồng điều trị tại bệnh viện Bình Dân, do sự tắc trách của bác sĩ nên chồng tôi qua đời vì chỉ định phẫu thuật sai. Tôi gọi đến số máy đường dây nóng 0908373320 được công bố tại bệnh viện nhưng gọi đến cả chục lần cũng chẳng ai nghe máy. Không biết họ lập ra số đường dây nóng để làm gì?”. Và lúc 11h ngày 26/11, phóng viên Dân trí đã gọi đến đường dây nóng của bệnh viện Bình Dân nhưng không có ai nhấc máy.

 

Mới đây, tại BV Bạch Mai cũng có một bệnh nhân “khiếu kiện” lên đường dây nóng của Bộ Y tế. Theo người nhà bệnh nhân, ngày 19/11, người mẹ 70 tuổi của anh bị ngã nên gia đình vội vã đưa bà vào BV Bạch Mai chữa trị nhưng chờ phải xếp hàng tới 2 ngày với nhiều lần không được khám, chụp cộng hưởng từ vì “hết giờ làm việc”. Quá bức xúc, anh này đã gọi đến đường dây nóng mới lập của Bộ Y tế và được nhân viên tổng đài hứa sẽ chuyển ý kiến đến BV Bạch Mai. 
 
Về trường hợp này, BS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Bạch Mai) cho biết, người nhà bệnh nhân không gọi đến đường dây nóng của BV Bạch Mai mà gọi thẳng lên đường dây nóng của Bộ Y tế. Sau khi nhận được thông tin phản ánh, BV Bạch Mai đã tiến hành rà soát về vụ việc. Thực tế, bức xúc của người nhà bệnh nhân là có cơ sở bởi sự giải thích chưa thỏa đáng của nhân viên y tế. Khi kiểm tra, thấy bệnh nhân chỉ bị chấn thương phần mềm, không bị gãy, rạn xương… nhân viên y tế đã không giải thích thấu đáo với người bệnh. “Nếu người bệnh phản ánh sự việc này với đường dây nóng bệnh viện, chắc chắn sẽ được giải quyết ngay, bác sĩ sẽ giải thích để người bệnh hiểu thấu đáo”, BS Hùng nói. 

  

Tuy nhiên, đến ngày 24/11, khi bệnh nhân Đỗ Văn Út (thương binh 2/4, ở xã Cao Xá, huyện Tân Yên, Bắc Giang) phản ánh đến đường dây nóng BV Bạch Mai về việc phải đóng phụ chi viện phí ngoài mức chi trả của BHYT với số tiền hơn 600.000 đồng, điều dưỡng Đỗ Xuân Quang, Phó trưởng phòng Điều dưỡng - người trực đường dây nóng chiều 24/11 - đã ghi lại ý kiến của bác Út và ngay sáng thứ hai (25/11), Phòng Kế hoạch tổng hợp sẽ làm việc với khoa Khớp, và tới buồng bệnh trả lời trực tiếp cho bác. TS Hùng cho biết, bệnh viện đã có giải thích thỏa đáng về những khoản thu và bệnh nhân đã hiểu, chấp nhận vì đó là những khoản, dịch vụ ngoài mà BHYT không chi trả.

 

Rõ ràng, chỉ thị chấn chỉnh đường dây nóng của Bộ Y tế mới đây là rất cần thiết bởi người bệnh rất cần những đường dây nóng kịp thời giải quyết những phản ánh bức xúc của họ.

 

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Để tiếp tục tăng cường chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu của người dân trước những rủi ro không mong muốn do chậm xử lý, Bộ Y tế đã ban hành chỉ thị. Lần này đường dây nóng cũng đã chỉ ra là chúng ta tiếp nhận thông tin gì, những người tiếp nhận thông tin nếu không xử trí sẽ chịu các hình thức kỉ luật và phê bình, nhắc nhở giao ban bệnh viện, trừ lương thưởng, thi đua, sẽ điều chuyển khỏi nơi tiếp xúc nhiều với người bệnh. Tùy mức độ vi phạm sẽ xử lý theo luật cán bộ công chức.

 

Bộ Y tế yêu cầu mỗi bệnh viện phải có 3 đường dây nóng, trực chung của bệnh viện, số điện thoại giám đốc BV phải công khai.
 
Với đường dây nóng ở các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh phải có số điện thoại của Sở Y tế để khi người bệnh gọi vào đường dây nóng của bệnh viện không “thông” có thể phản ánh trực tiếp lên Sở Y tế.
 
Còn tại các bệnh viện tuyến TƯ, ngoài số điện thoại nóng tại BV, số điện thoại nóng 0973.306.306 của Bộ Y tế cũng “thông” 24/24h để tiếp nhận những phản ánh của người dân, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
 
Hồng Hải - Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm