Căn bệnh "hiểm" thường gặp ở nữ, dễ tái phát khi có nhiều bạn tình

Biên Thùy

(Dân trí) - Căn bệnh này gây nhiều biến chứng nguy hiểm như sốc nhiễm khuẩn, áp xe quanh thận... và có đến 60% người mắc là nữ giới. Đáng chú ý, bệnh dễ tái phát vì các thói quen quan hệ tình dục.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thanh Trúc, chuyên khoa Ngoại thận - Tiết niệu cho biết,  nhiễm khuẩn đường tiết niệu là bệnh rất phổ biến, chiếm khoảng 25% tổng số các bệnh nhiễm khuẩn. Bệnh xuất hiện nhiều ở nữ giới, với hơn 50-60% trường hợp mắc phải.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, như sốc nhiễm khuẩn, áp xe quanh thận, nhiễm khuẩn huyết… Đáng chú ý, tuy bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn nhưng vẫn dễ tái phát vì thói quen sinh hoạt, độ tuổi mãn kinh hoặc một vài bệnh lý khác.

Theo bác sĩ Trúc, nhiễm khuẩn đường tiết niệu là tình trạng viêm nhiễm ở bất kỳ bộ phận nào của hệ tiết niệu - thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu, nhân lên và gây viêm.

Căn bệnh hiểm thường gặp ở nữ, dễ tái phát khi có nhiều bạn tình - 1

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu có thể gây những biến chứng nguy hiểm (Ảnh: BV).

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu gây nên những cơn đau đớn, cảm giác khó chịu kèm theo các triệu chứng như:

Tiểu buốt, tiểu đau hay có cảm giác bỏng rát buốt dọc niệu đạo; đau bụng dưới; tiểu nhiều, tiểu máu; nước tiểu đục và có mùi khó chịu; sốt nhẹ, ớn lạnh; buồn nôn hay nôn kèm sốt cao, nếu nhiễm khuẩn ở thận.

Tuy nhiên, một số trường hợp nhiễm khuẩn đường tiết niệu có thể không thể hiện triệu chứng gì.

Hơn 75% trường hợp nhiễm khuẩn đường tiết niệu có thủ phạm là vi khuẩn E. coli. Ngoài ra, liên cầu nhóm D, tụ cầu vàng, vi khuẩn kỵ khí Mycoplasma… cũng có thể xâm nhập cơ quan hệ tiết niệu và gây bệnh nhiễm khuẩn.

Vì cấu tạo niệu đạo của phụ nữ gần với âm đạo, nên các vi khuẩn dễ tấn công niệu đạo gây viêm. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu ngoài thường gặp ở phụ nữ còn dễ tái phát, do nhiều yếu tố nguy cơ.

Thứ nhất là thói quen quan hệ tình dục. Việc quan hệ tình dục có thể đẩy một số vi khuẩn xung quanh hậu môn hoặc âm đạo lên vùng niệu đạo. Ngoài ra, có bạn tình mới hoặc nhiều bạn tình có thể làm tăng khả năng mắc bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Thứ hai, ở thời kỳ mãn kinh, phụ nữ bị suy giảm estrogen, gây khả năng làm thay đổi đường tiết niệu, từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

Căn bệnh hiểm thường gặp ở nữ, dễ tái phát khi có nhiều bạn tình - 2

Sỏi thận là bệnh lý nguy cơ gây viêm nhiễm đường tiết niệu (Ảnh: BV).

Nguy cơ còn đến từ việc mắc một số bệnh lý như chấn thương tủy sống, sỏi thận… khiến nước tiểu ứ đọng và góp phần làm vi khuẩn gây viêm nhiễm tồn tại. Bệnh tiểu đường cũng là yếu tố gây nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái phát nhiều hơn, do tổn thương dây thần kinh trong bàng quang và hệ thống miễn dịch yếu. Ngoài ra, nhiễm khuẩn đường tiết niệu còn có liên quan đến yếu tố di truyền.

Để ngăn ngừa các biến chứng và phòng nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái phát, bác sĩ Phạm Thanh Trúc lưu ý, khi có các triệu chứng và được chẩn đoán nhiễm khuẩn đường tiết niệu, người bệnh cần điều trị, tuân thủ nghiêm chỉ định của bác sĩ. Không tự ý ngưng thuốc hoặc tự mua thuốc điều trị, hay dùng đơn thuốc trước đó sử dụng khi bệnh tái phát.

Cần giữ vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi quan hệ tình dục. Sau khi đại tiện hay tiểu tiện, nữ giới chú ý vệ sinh sạch theo hướng từ trước ra sau tránh vi khuẩn từ hậu môn có thể xâm nhập niệu quản. Lựa chọn loại dung dịch vệ sinh phụ nữ phù hợp, sử dụng hàng ngày để ngăn ngừa viêm nhiễm.

Căn bệnh hiểm thường gặp ở nữ, dễ tái phát khi có nhiều bạn tình - 3

Người dân cần uống đủ nước và không nhịn tiểu để tránh nguy cơ gây viêm nhiễm đường tiết niệu (Ảnh minh họa: BV).

Về chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng, cần uống nhiều nước (khoảng hơn 2 lít/ngày) và không nhịn tiểu để giảm nguy cơ vi khuẩn trong nước tiểu ứ đọng sinh sôi. Tránh các thực phẩm có thể gây kích ứng bàng quang như soda, rượu, cà phê, chanh, cam…, đồng thời bổ sung nhiều rau và trái cây.

Nếu vẫn bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu nhiều lần, người bệnh nên sớm đến cơ sở y tế có chuyên khoa Tiết niệu, Thận học để các bác sĩ thăm khám và có phác đồ điều trị kịp thời. Với các trường hợp tái phát bệnh trên 2 lần trong 6 tháng, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng kháng sinh dự phòng liều thấp trong thời gian dài.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm