Hàng loạt người ở TPHCM ngứa dữ dội, nhiễm nấm vì nắng nóng

Hoàng Lê

(Dân trí) - Hàng loạt trường hợp phải đến bệnh viện "cầu cứu" trong tình trạng da bị ngứa, hắc lào, lang ben, nấm kẽ tai chân... vì nắng nóng kéo dài.

Những ngày gần đây, nhiều người tại TPHCM đã đến các phòng khám da liễu, bệnh viện để đăng ký khám và điều trị trong tình trạng da bị ngứa, khô, tróc vảy, đau rát…

Hắc lào, viêm da tấn công người dân mùa nắng nóng

Như trường hợp của anh T. (36 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) đi bệnh viện "cầu cứu" khi da vùng mông và bẹn trước bị ngứa, bong tróc thời gian dài. Theo bệnh nhân, vùng mông của anh bắt đầu bị ngứa từ 6 tháng trước, nhưng 2 tuần gần đây khi trời nắng nóng, cơn ngứa dữ dội hơn và lan ra các vùng khác.

Qua thăm khám, TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da nhận thấy, người bệnh nổi nhiều vòng tròn đỏ và các mụn nước nhỏ li ti xung quanh. Vùng da mông đen, chai sần cứ lành rồi tái đi tái lại liên tục.

Kết quả chẩn đoán xác định, bệnh nhân bị lác đồng tiền (hay hắc lào). Anh T. được chỉ định dùng thuốc uống kháng nấm, chống ngứa và bôi thuốc kiềm nấm. Sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân không còn ngứa hay nổi mụn nước, các vòng tròn lác đã hết đỏ.

Còn anh N.H.Q. (33 tuổi, ngụ quận Bình Tân) có thói quen thường xuyên chơi thể thao sau giờ làm việc. Hơn 2 tuần trước khi đi khám, anh bị ngứa toàn thân, nổi nhiều đốm nâu đỏ ở lưng, ngực, đốm trắng ở hai cánh tay và chân. Anh còn thấy châm chích, ngứa nhiều khi đổ mồ hôi.

Hàng loạt người ở TPHCM ngứa dữ dội, nhiễm nấm vì nắng nóng - 1

Người đàn ông nổi nhiều đốm lang ben màu trắng trên tay gây ngứa nhiều (Ảnh: BV).

Qua thăm khám và soi tìm nấm, bác sĩ phát hiện anh bị lang ben vì nhiễm nấm thuộc nhóm Malassezia furfur (nấm gây bệnh ở lớp sừng). Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc uống và thuốc bôi kháng nấm, thuốc chống ngứa. Sau 1 tuần điều trị, các đốm tròn trên người bệnh nhân mờ hẳn, hết ngứa.

Anh P.T.H. (42 tuổi, ngụ quận Tân Bình) là đầu bếp, thường xuyên làm việc trong môi trường có nhiệt độ cao nên da ngực hay đỏ rát nhẹ, thường hết sau khi tắm rửa, nghỉ ngơi. Nhưng khi thời tiết nắng nóng, da bệnh nhân đỏ nhiều và lan xa, có mụn mủ, ngứa rát xảy ra nhiều hơn.

Khám kỹ, bác sĩ nhận định anh H. bị viêm nang lông và viêm da dầu (viêm da tiết bã nhờn). Người bệnh đau rát ở vùng trầy xước do gãi và mụn đã vỡ mủ. Người đàn ông ngay sau đó được chỉ định dùng thuốc uống kháng viêm, chống ngứa, thuốc bôi trị nhiễm trùng, dầu gội và sữa tắm phù hợp với cơ địa. Đến nay, vùng da ngực, cổ và cằm của anh H. giảm những nốt mụn đỏ, hết sưng viêm.

Hàng loạt người ở TPHCM ngứa dữ dội, nhiễm nấm vì nắng nóng - 2

Da của một bệnh nhân cải thiện sau một tuần điều trị (Ảnh: BV).

Những đối tượng dễ bị nhiễm nấm da

Theo bác sĩ Bích, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, độ ẩm cao, mùa hè là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển. Người có đặc thù công việc phải chạy xe gắn máy ngoài trời trong nhiều giờ, nắng nóng đổ mồ hôi sẽ tạo điều kiện cho nấm dễ sinh sôi, gây lác đồng tiền, nấm kẽ chân kẽ tay, lang ben, viêm nang lông, nấm da, chốc…

Ngoài ra, việc sử dụng sữa tắm chứa chất kiềm cao cũng tạo môi trường thuận lợi cho nấm phát triển.

Với những người làm việc thường xuyên trong môi trường có nhiệt độ cao kèm thể trạng thừa cân, khiến mồ hôi, chất bã tiết ra nhiều nhưng không thoát được, sẽ gây tắc nghẽn, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm da, viêm nang lông… Nếu không điều trị sớm, viêm nang lông sẽ tiến triển nặng.

Hàng loạt người ở TPHCM ngứa dữ dội, nhiễm nấm vì nắng nóng - 3

Một trường hợp tổn thương da nặng do điều trị nấm sai cách (Ảnh: BV).

Những đối tượng có sức đề kháng yếu nằm trong nhóm dễ bị nhiễm nấm da bao gồm: Trẻ em dưới 5 tuổi, người già trên 80 tuổi, người có bệnh nền (tiểu đường, lao, viêm phổi, ung thư, suy giảm miễn dịch)…

Để phòng ngừa bệnh da mùa nóng, bác sĩ khuyến cáo người dân nên chọn quần áo có vải mỏng, mềm, thấm mồ hôi, không mặc đồ bó sát.

Sau khi chơi thể thao, lao động cần nhanh chóng lau khô mồ hôi và vệ sinh cơ thể. Với những người đang bị nấm da, cần giặt và phơi quần áo ngoài nắng để diệt nấm và bào tử nấm.

Ở người thừa cân tiết nhiều mồ hôi, có thể sử dụng phấn rôm hoặc kem bôi giúp giảm ẩm ở các vùng da có nếp gấp (như cổ, bẹn, mông…). Cần bổ sung vitamin C, các khoáng chất, thực phẩm chống oxy hóa để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Ngoài ra, người từng bị nấm ở da chân cần phơi giày ngoài nắng hoặc thay giày mới để tránh nhiễm lại bệnh.