Các phương pháp điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ
(Dân trí) - Ung thư phổi tế bào nhỏ phát hiện càng sớm, điều trị càng hiệu quả. Tùy từng giai đoạn bệnh mà phương pháp điều trị sẽ khác nhau, phương thức điều trị có thể đơn thuần hoặc phối hợp nhiều phương pháp.
Các biện pháp điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ chủ yếu là hóa trị và xạ trị. Do đặc điểm tiến triển nhanh tới di căn xa và là loại nhạy cảm với điều trị hóa chất nên hóa trị liệu đóng vai trò chủ đạo trong điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ. Phương thức điều trị phổ biến cho cả giai đoạn khu trú và lan tràn là hóa chất kết hợp với tia xạ. Hóa chất giúp giảm tỷ lệ tái phát, di căn xa và kéo dài thời gian sống thêm cho người bệnh.
Bên cạnh các phương pháp điều trị truyền thống là: phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, ngày nay, với sự tiến bộ của y học, ngày càng nhiều phương pháp điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ ra đời, giúp người mắc bệnh có thêm cơ hội sống.
- Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định cho trường hợp ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn sớm (giai đoạn I - IIA). Phương pháp phẫu thuật là cắt thùy phổi và vét hạch trung thất. Đánh giá tổn thương hạch sau phẫu thuật: nếu hạch di căn: hóa trị + xạ trị sau phẫu thuật, nếu hạch không di căn: hóa trị sau phẫu thuật
- Hóa chất
Ung thư phổi tế bào nhỏ tiến triển nhanh tới di căn xa vì vậy hóa trị là phương pháp điều trị chính trong tất cả các giai đoạn.
Hóa trị thường được sử dụng là các phác đồ có Etoposide hoặc Irinotecan kết hợp với một thuốc nhóm Platium như Cisplatin hoặc Carboplatin.
Các bệnh nhân ở giai đoạn khu trú thường được điều trị hóa xạ đồng thời hoặc hóa xạ tuần tự tùy thuộc thể trạng bệnh nhân. Các bệnh nhân ở giai đoạn lan tràn việc điều trị hóa chất đóng vai trò chủ đạo.
Những tác dụng phụ của hóa chất tùy thuộc vào thể trạng bệnh nhân và liều lượng hóa chất. Các tác dụng phụ có thể gặp như: chán ăn, buồn nôn, nôn, nhiễm khuẩn, rụng tóc, tiêu chảy.
- Xạ trị
Giai đoạn khu trú: Hóa xạ trị đồng thời là điều trị chuẩn so với hóa xạ trị kế tiếp, việc xạ nên tiến hành sớm, ngay chu kỳ 1 hoặc 2 của hóa trị
Giai đoạn lan tràn: Xạ trị khi có đáp ứng hoàn toàn hoặc đáp ứng tốt với hóa trị.
Bệnh nhân giai đoạn khu trú và giai đoạn lan tràn sau khi điều trị hóa trị có đáp ứng, sẽ được cân nhắc chỉ định xạ trị giảm tái phát tại não - đã chứng minh giúp kéo dài thời gian sống thêm của bệnh nhân. Với những bệnh nhân di căn não và di căn xương, điều trị tại não và xương cũng giúp giảm nhẹ triệu chứng cho bệnh nhân.
Xạ trị cũng gây ra các tác dụng phụ cho bệnh nhân như mệt mỏi, chán ăn, đau họng, nuốt khó, một số tác dụng phụ trên da cũng có thể gặp, tuy nhiên nó sẽ mất khi kết thúc quá trình xạ trị. Một tác dụng phụ nghiêm trọng của xạ trị là viêm phổi. Các triệu chứng viêm phổi do xạ nếu nặng có thể phải cần đến các thuốc như Corticoid.
- Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch còn được gọi là liệu pháp sinh học, được thiết kế để tăng cường khả năng phòng thủ tự nhiên của cơ thể để chống lại bệnh ung thư. Nó sử dụng để cải thiện, nhắm mục tiêu hoặc phục hồi chức năng của hệ thống miễn dịch.
Ví dụ, con đường PD-1 có thể rất quan trọng trong khả năng kiểm soát sự phát triển ung thư của hệ thống miễn dịch. Việc ngăn chặn con đường này bằng các kháng thể PD-1 và PD-L1 đã làm ngừng hoặc làm chậm sự phát triển của SCLC đối với một số bệnh nhân. Các loại thuốc điều trị miễn dịch sau đây chặn con đường này: Atezolizumab, Nivolumab và Pembrolizumab.
Liệu pháp miễn dịch được sử dụng phối hợp với hóa chất được chỉ định trong điều trị bước 1 đối với ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn lan tràn hoặc chỉ dùng cho bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ giai đoạn lan tràn đã thất bại với điều trị hóa chất.
Nhờ các tiến bộ trong chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị, bệnh lý ung thư phổi tế bào nhỏ đã có được nhiều kết quả khả quan và tích cực hơn so với trước đây. Chất lượng sống và thời gian sống cũng được cải thiện một cách đáng kể, mang lại nhiều kỳ vọng hơn cho bệnh nhân.
ThS.Bs Trần Nguyên Bảo, khoa Nội I
Bệnh viện Ung bướu Hà Nội