Có những yếu tố này bạn dễ mắc ung thư phổi tế bào nhỏ

Hà An

(Dân trí) - Ung thư phổi tế bào nhỏ chiếm khoảng 10-15% các trường hợp mắc ung thư phổi. Hút thuốc lá, gia đình có người mắc ung thư phổi, khí radon… đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Ung thư phổi xảy ra khi các tế bào đột biến trong phổi phát triển ngoài tầm kiểm soát, tạo thành một khối u. Trong nhiều trường hợp, các tế bào bị thay đổi này chết hoặc bị tấn công bởi hệ thống miễn dịch. Nhưng một số tế bào thoát khỏi hệ thống miễn dịch và phát triển ngoài tầm kiểm soát, tạo thành một khối u trong phổi.

Dưới đây là các nguyên nhân dẫn đến ung thư phổi tế bào nhỏ theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ:

Có những yếu tố này bạn dễ mắc ung thư phổi tế bào nhỏ - 1

- Yếu tố nguy cơ di truyền

Tiền sử gia đình: Bất kỳ ai trước đây được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi hoặc bất kỳ ai có tiền sử gia đình mắc bệnh đều có nguy cơ gia tăng. Đặc biệt, những người thừa hưởng nhiễm sắc thể số 6 có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi cao hơn.

- Các yếu tố nguy cơ về lối sống

Hút thuốc lá: Khói thuốc lá là một yếu tố nguy cơ hàng đầu đối với ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC). Nguy cơ tăng lên với số lượng thuốc lá hút mỗi ngày trong bất kỳ khoảng thời gian dài nào. Những người hút thuốc bỏ thuốc lá trước khi phát triển ung thư phổi có thể sống lâu hơn những người tiếp tục hút thuốc. Điều này là do, một khi người hút thuốc bỏ thuốc lá, phổi có khả năng sửa chữa các mô bị hư hỏng.

Khói thuốc lá thụ động: Những người không hút thuốc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động cũng ở mức tăng rủi ro cho việc phát triển SCLC.

Radon: Khi uranium phân hủy trong đất và đá, nó giải phóng một loại khí phóng xạ tự nhiên gọi là radon. Khí này có thể được tìm thấy trong các tầng hầm của những ngôi nhà hoặc tòa nhà cũ. Tiếp xúc với lượng khí radon đậm đặc làm tăng nguy cơ phát triển SCLC của một người. Các bộ dụng cụ kiểm tra có thể phát hiện và đo mức độ radon được bán rộng rãi.

Tiếp xúc tại nơi làm việc: Có nhiều ngành công nghiệp mà người lao động thường xuyên tiếp xúc với các chất gây ung thư, chẳng hạn như amiăng, làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Các tác nhân khác tại nơi làm việc làm tăng nguy cơ mắc SCLC bao gồm quặng phóng xạ, hóa chất hoặc khoáng chất hít phải, chẳng hạn như berili, cadmium, silica, hợp chất vinyl clorua và niken, và khí thải diesel.

- Các phương pháp điều trị trước đây

Tiền sử mắc các bệnh về phổi, bao gồm cả các bệnh ung thư phổi trước đây, có thể khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Cũng có nguy cơ liên quan đến các phương pháp điều trị ung thư khác, như xạ trị.