1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cả huyện 150.000 người không có máy mổ phaco, dân mong bác sĩ phẫu thuật

Hoàng Lê

(Dân trí) - Với số dân hơn 150.000 người nhưng đến nay, một huyện ở tỉnh miền Tây vẫn chưa có máy mổ phaco. Nhiều người sống tại đây vì không có điều kiện lên tuyến trên đã chịu cảnh tối tăm suốt thời gian dài.

Trong các ngày 28/7 đến 30/7, đoàn y bác sĩ hai Bệnh viện Lê Văn Thịnh và Bệnh viện Lê Văn Việt (TP Thủ Đức, TPHCM) phối hợp cùng Ban liên lạc đồng hương Bạc Liêu - Cà Mau đã tổ chức chương trình khám bệnh, phát thuốc, tặng quà cho hàng trăm người dân khu vực huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu.

Mong từng ngày có bác sĩ mổ mắt

Đáng chú ý, các bác sĩ chuyên khoa Mắt ở TPHCM đã trực tiếp mang theo những trang thiết bị cần thiết để tiến hành phẫu thuật thay thủy tinh thể (mổ phaco) ngay tại Trung tâm Y tế huyện Đông Hải.

Nghe tin này, nhiều trường hợp bệnh nhân, hầu hết là người cao tuổi từ sáng sớm đã đến để chờ được phẫu thuật.

Cả huyện 150.000 người không có máy mổ phaco, dân mong bác sĩ phẫu thuật - 1

Đông đảo người dân huyện Đông Hải ngồi chờ được bác sĩ ở TPHCM mổ mắt (Ảnh: Hoàng Lê).

Xếp hàng vào phòng mổ, chú Đặng Văn Hùng (60 tuổi, ngụ xã Long Điền Tây) cho biết, 4 năm trước đã dành dụm tiền để lên bệnh viện tỉnh mổ mắt bên phải, vì địa phương không có mổ phaco. Nhà ở gần biển, mỗi lần lên khu vực trung tâm khám bệnh, người đàn ông tốn rất nhiều thời gian.

"Trước đây, mẹ tôi cũng bị cườm 2 bên mắt, phải đi xe đò lên TPHCM mổ hết 18 triệu đồng. Mổ xong ở lại nhà trọ người thân 10 ngày chờ tái khám xong mới về, rất tốn tiền. Nay nghe có đoàn bác sĩ về mổ tại chổ cho bà con, tôi mừng lắm" - chú Hùng chia sẻ.

Đứng bên cạnh, ông Chương Thanh Quang (73 tuổi) cho biết, bản thân cũng từng bắt xe ôm lên bệnh viện tỉnh mất gần 2 tiếng đồng hồ để mổ cườm mắt trái, nhưng đến nay đã bị mờ lại. Không còn khả năng phẫu thuật bên mắt còn lại, ông phải sống trong bóng tối nhiều năm qua.

Cả huyện 150.000 người không có máy mổ phaco, dân mong bác sĩ phẫu thuật - 2

Chú Quang được nhân viên y tế nhỏ thuốc giãn đồng tử trước khi phẫu thuật (Ảnh: Hoàng Lê).

"Tôi bị sa khớp chân không đi đứng được, mắt thì yếu, nên chỉ có một mình vợ tôi bán mắm kiếm tiền. Từ lâu, tôi đã trông đợi từng ngày có đoàn bác sĩ TPHCM đến mổ mắt từ thiện, vì nhà chỉ có hai ông bà già, tiền đâu mà tự đi mổ nữa.

Chỉ mong sau hôm nay mắt tôi sáng lại, để phụ vợ làm lụng sinh sống", ông Quang trải lòng.

Còn bà Nguyễn Thị Huyền (76 tuổi, ngụ ấp Bình Điền, xã Long Điền Tây) bị đau và mờ nặng cả hai bên mắt từ 3 năm nay. Nhà quá nghèo, chỉ sống bằng tiền lượm ve chai của chồng và tiền làm mướn lặt vặt của hai cháu gái nhỏ, bà đành cắn răng chịu đựng.

"Con trai tôi bị tai nạn giao thông nặng không còn lao động được, vợ nó mất tích mấy năm nay, gia cảnh quá nghèo. Hai mắt tôi từ lâu như có sương mù xung quanh, nhưng làm gì có khả năng để lên thành phố mổ. Chương trình mổ từ thiện này rất ý nghĩa với tôi", người phụ nữ nói.

Cả huyện 150.000 người không có máy mổ phaco, dân mong bác sĩ phẫu thuật - 3

Nhiều người cho biết vì hoàn cảnh khó khăn, đi lại bất tiện đã chịu đựng cảnh bị cườm mắt từ lâu (Ảnh: Hoàng Lê).

Cả huyện 150.000 dân không có máy mổ phaco

Bác sĩ Nguyễn Hùng Mộng, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu cho biết, địa phương có hơn 150.000 dân, nhưng toàn huyện không có một máy mổ phaco. Do đó, nhiều người muốn mổ mắt phải di chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh hoặc TPHCM điều trị, tốn nhiều thời gian và chi phí.

"Trung bình một ca mổ phaco chi phí khoảng 10 triệu đồng. Có người tình trạng mắt nặng, đi mổ phải tốn 30-40 triệu đồng", bác sĩ Mộng dẫn chứng.

Lý giải nguyên nhân vì sao địa phương không thể tự thực hiện phẫu thuật phaco, bác sĩ Mộng cho biết, nơi đây chưa có nhân lực mổ mắt, các trang thiết bị liên quan như phòng mổ, máy đo thị lực, siêu âm mắt… cũng thiếu. Để đầu tư đầy đủ cần chi phí rất lớn, lên đến hàng tỷ đồng.

Cả huyện 150.000 người không có máy mổ phaco, dân mong bác sĩ phẫu thuật - 4

Chú Đặng Văn Hùng (thứ hai từ trái sang) vui mừng khi có đoàn bác sĩ đến mổ mắt miễn phí ngay tại nơi mình sinh sống (Ảnh: Hoàng Lê).

Trong khi đó, ngành y tế cần phải tập trung cho các vấn đề ưu tiên hơn, như chăm sóc các bệnh mãn tính (cao huyết áp, tiểu đường, dạ dày, khớp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính...) cho người dân, đầu tư phát triển kỹ thuật mổ nội soi, ngoại khoa, sản khoa, các phương tiện cấp cứu…

Do đó, huyện rất cần các đoàn bác sĩ thiện nguyện từ TPHCM và những nơi khác đến mổ mắt cho người dân

Bác sĩ Lê Nhật Nam, phụ trách khoa Mắt, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, trong chương trình lần này, khoảng 150 người dân đã được mổ mắt miễn phí. Trong đó, có những trường hợp bị đục thủy tinh thể nặng.

Cả huyện 150.000 người không có máy mổ phaco, dân mong bác sĩ phẫu thuật - 5

Bác sĩ Lê Nhật Nam đã có hơn 10 năm đi mổ mắt từ thiện, mang lại ánh sáng cho hàng ngàn bệnh nhân nghèo (Ảnh: Hoàng Lê).

Theo bác sĩ Nam, nhiều người cao tuổi tại huyện Đông Hải ngoài gặp thiếu thốn về kinh tế còn bị các vấn đề về cơ xương khớp, nhà xa, nên để di chuyển lên bệnh viện tuyến tỉnh điều trị rất khó khăn. Kể cả đến trung tâm y tế huyện cũng không đơn giản, khi con cái bận đi làm, không có thời gian đưa cha mẹ đi.

Do đó khi có điều kiện tổ chức chương trình mổ từ thiện, bác sĩ Nam cùng các cộng sự cố gắng hỗ trợ càng nhiều người dân càng tốt. "Chúng tôi sẽ cố gắng kết hợp nhiều nguồn lực xã hội để vài tháng nữa trở lại đây, phẫu thuật thêm cho bà con dịp này chưa có cơ hội", bác sĩ Nam chia sẻ.

Bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, thời gian qua vì nhiều lý do, một số bệnh viện, trung tâm lớn về mắt, kể cả ở TPHCM cũng có tình trạng quá tải mổ phaco.

Cả huyện 150.000 người không có máy mổ phaco, dân mong bác sĩ phẫu thuật - 6

Việc mổ phaco ngay tại địa phương cũng góp phần giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên (Ảnh: Hoàng Lê).

Do đó, chương trình khám sàng lọc, mổ mắt cho bà con, người bị đục thủy tinh thể tại huyện Đông Hải ngoài ý nghĩa hỗ trợ người nghèo, tri ân gia đình chính sách nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ còn góp phần làm giảm tải cho các cơ sở y tế tuyến trên.

Ngoài ra, chương trình còn giúp người dân vùng sâu, vùng xa được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại quê nhà.