Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM tiết lộ bất ngờ việc xếp hàng chờ mổ phaco
(Dân trí) - Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM cho biết, dù đã có đầy đủ vật liệu thủy tinh thể, nhưng nơi đây vẫn còn hiện tượng quá tải mổ mắt tạm thời và tiếp tục phát sinh một số ca phải hẹn lại.
Mới đây, tại cuộc họp khẩn giữa Sở Y tế TPHCM với các đơn vị trực thuộc, đại diện Bệnh viện Mắt TPHCM cho biết, nơi này đang có tình trạng quá tải phẫu thuật thay thủy tinh thể (mổ phaco), khi phải gánh bệnh nhân từ các đơn vị tuyến trước và cả các trường hợp ở khu vực miền Bắc di chuyển đến.
Thậm chí, có thông tin cho biết Bệnh viện Mắt TPHCM đã dùng hết vật tư thủy tinh thể đấu thầu mua sắm cho cả năm 2023, nên có thời điểm phải tạm dừng mổ mắt, gây xôn xao dư luận.
Chờ 3 tuần đến lượt mổ mắt rồi… về nhà theo dõi
Phóng viên Dân trí đã đến trực tiếp Bệnh viện Mắt TPHCM để tìm hiểu thực hư sự việc trên. Ghi nhận vào chiều 24/7 tại khu vực khoa Tổng hợp (nơi làm thủ tục thực hiện mổ phaco), có hàng chục bệnh nhân đã được gây tê vùng mắt, ngồi chờ đến lượt phẫu thuật.
Đẩy bệnh nhân L.T.T. (85 tuổi) trên xe lăn tại lối vào khoa Tổng hợp, ông Ngọc Anh cho biết, trước đó đã đưa mẹ từ quê nhà Bình Thuận đến Bệnh viện Mắt TPHCM kiểm tra, vì cả hai bên mắt của bà không còn nhìn rõ.
Sau khi thăm khám, các bác sĩ xác định cụ bà bị cườm khô (đục thủy tinh thể) mắt phải, có chỉ định mổ nhưng hẹn lịch 3 tuần sau mới thực hiện, vì bệnh viện đang quá tải.
"Hôm nay là ngày hẹn, tôi và em gái đã đưa mẹ đến bệnh viện từ 8h, nhưng chờ đến gần 15h bà vẫn chưa được mổ. Mẹ tôi sợ đau nên các bác sĩ đề nghị người nhà phải trấn an tâm lý cho bà trước.
Việc đi lại rất bất tiện với người ở xa, nên tôi mong người già được bệnh viện ưu tiên, đến khám và mổ mắt ngay trong ngày chứ không phải chờ đợi" - người nhà cụ T. nói.
Cũng trong tình cảnh chờ 3 tuần mới đến lịch mổ đục thủy tinh thể mắt phải, chị Nguyễn Thị Út (44 tuổi, quê huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) từ tờ mờ sáng đã cùng chồng ra bến xe, đến khoảng 8h thì đến bệnh viện. Cả buổi sáng, chị loay hoay làm các thủ tục xét nghiệm, đăng ký phẫu thuật.
Đến chiều, tưởng sẽ được mổ thì chị Út được bác sĩ cho biết, lượng đường trong máu cao nên bệnh nhân phải về nhà theo dõi. Khi chỉ số đường huyết ổn định thì quay lại phẫu thuật sau.
"Bác sĩ nói tôi có thể về bệnh viện địa phương kiểm tra, khi chỉ số đường huyết ổn thì nhờ tuyến dưới ký giấy xác nhận, mang lên TPHCM mới được mổ. Nhà tôi xa, mỗi lần đi lại tốn cả ngày.
Mấy tháng trước tôi lên đây mổ mắt trái rất nhanh, giờ lại phải chờ" - nữ bệnh nhân vừa chia sẻ, vừa lau vết mực đánh dấu vị trí mắt dự kiến sẽ mổ nhưng lại bị hoãn.
Qua khảo sát, hầu hết các bệnh nhân chờ mổ mắt chiều 24/7 là người ở các địa phương ngoài TPHCM. Nhiều trường hợp được hẹn lịch từ 2-3 tuần trước. Một số bệnh nhân mới đi khám sáng cùng ngày có chỉ định mổ khẩn, cũng phải xếp hàng chờ đến chiều.
Ngoài tuyến cuối, người dân có thể mổ mắt ở đâu?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM cho biết, trung bình mỗi ngày, đơn vị phẫu thuật 700-750 ca. Trong đó, mổ phaco chiếm khoảng 50%.
Thống kê cho thấy, 75% bệnh nhân đến với nơi này từ các tỉnh, 2% tổng số bệnh nhân đến từ khu vực phía Bắc.
Theo bác sĩ Tuấn, bên cạnh thực hiện công tác khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn Thành phố, theo sự phân công của Bộ Y tế, Bệnh viện đảm nhận vai trò chỉ đạo tuyến, phụ trách các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, TPHCM và khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Do đó, đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động chuyển giao kỹ thuật, hợp tác chuyên môn đối với các đơn vị được Bộ Y tế phân công.
Bệnh viện Mắt TPHCM đã hoàn tất chuyển giao chuyên môn kỹ thuật cho Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi từ năm 2019 và đang trong quá trình xem xét các điều kiện, nhằm tái ký hợp tác chuyên môn với Bệnh viện huyện Nhà Bè.
Lãnh đạo Bệnh viện Mắt TPHCM khẳng định, đơn vị chưa ký hợp tác phẫu thuật với Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Nhân dân 115. Ngoài ra, Bệnh viện cũng không ngừng phẫu thuật phaco.
Bác sĩ Tuấn lý giải, thực tế vào tháng 5, Bệnh viện Mắt TPHCM thiếu một số dãy độ thủy tinh thể (công suất IOL trung bình). Tuy nhiên, nơi này vẫn tiến hành phẫu thuật cho người bệnh có chỉ định dùng các dãy độ thủy tinh thể khác.
Đến đầu tháng 6, Bệnh viện Mắt đã có đủ các dãy độ thủy tinh thể và đã tiến hành phẫu thuật cho tất cả số bệnh nhân hẹn chờ trước đó. Hiện tại, Bệnh viện đã hoàn tất phẫu thuật cho nhóm hoãn mổ trong tháng 5.
Bác sĩ Tuấn nhìn nhận, do vừa phải đáp ứng lượng bệnh nhân hoãn mổ, vừa phục vụ các ca mới có chỉ định phẫu thuật, bệnh viện vẫn còn hiện tượng quá tải tạm thời và tiếp tục phát sinh một số ca phải hẹn lại, do công suất phòng mổ không đủ.
Đồng thời, vì phải giải quyết các thủ tục phẫu thuật trong ngày, làm hồ sơ gối đầu cho các ca ngày hôm sau, nên có tình trạng một số điều dưỡng hành chánh của khoa Tổng hợp phải ở lại làm thêm đến hơn 18h.
Để xử lý tình trạng quá tải, Bệnh viện Mắt TPHCM đã gửi văn bản xin phép Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội TPHCM chấp thuận cho đơn vị triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và phẫu thuật vào các ngày cuối tuần.
Dự kiến trong tháng 8, đơn vị sẽ giải quyết về mặt căn bản đối với bệnh nhân đợi phẫu thuật phaco. Bên cạnh đó, Bệnh viện Mắt cũng chủ động xúc tiến tìm đối tác là một cơ sở y tế công để cùng xây dựng đề án hợp tác công để giảm tải cho nơi này.