Bóng đèn nhựa nằm trong phổi bé gái 10 tháng tuổi
(Dân trí) - Trong lúc ngậm chiếc điện thoại đồ chơi, bé gái đã vô tình bị bóng đèn nhựa lọt vào phế quản. Các bác sĩ đã phải nội soi cấp cứu, giúp bệnh nhi thoát nguy cơ bị xẹp phổi.
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố ngày 13/9 cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và kịp thời can thiệp cho một trường hợp bị dị vật đường thở rất nguy hiểm. Bệnh nhi là bé gái P.N.K.N. (10 tháng tuổi, ngụ tại Cần Đước, Long An) chuyển đến bệnh viện trong tình trạng khó thở.
Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ phía gia đình ghi nhận, trước đó cháu đang ngậm chiếc điện thoại đồ chơi trong miệng thì bất ngờ ho sặc sụa, ói liên tục. Người mẹ kiểm tra thì phát hiện chiếc điện thoại đồ chơi đã bị mất đầu đèn nhựa dò tín hiệu. Sau khi móc họng cho trẻ ói nhưng không ra dị vật, người nhà vội đưa con đến trạm y tế địa phương.
Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành chụp phim thì phát hiện dị vật đã nằm trọn phế quản phải của trẻ. Bệnh nhi đối mặt với nguy cơ tắc ứ khí, xẹp phần phổi được dẫn khí. Ngay lập tức các bác sĩ đã chuyển trẻ đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.
Kết quả chụp phim kiểm tra cho thấy, dị vật đã nằm sâu trong đường thở gây tắc phế quản trung gian phổi phải, đe dọa tính mạng bệnh nhi. Các bác sĩ đã hỏa tốc chỉ định nội soi cấp cứu lấy dị vật. Phương pháp nội soi diễn ra thuận lợi, chiếc bóng đèn nhựa được bác sĩ gắp thành công giúp bệnh nhi tránh được nguy cơ xẹp phổi, hoại tử nhiễm trùng đường hô hấp. Sau khi dị vật được gắp thành công, bệnh nhi đã tỉnh, sinh hiệu ổn, trẻ được tiếp tục theo dõi, điều trị viêm phổi.
Từ trường hợp trên, BS-CK2 Nguyễn Hoàng Nhật Mai, Phó khoa Hô hấp cảnh báo, nội soi gắp dị vật ở trẻ nhỏ khó hơn nhiều so với người lớn vì đường hô hấp của trẻ còn nhỏ, phải dùng thiết bị nội soi mềm để gắp dị vật. Tuy nhiên, trẻ vẫn có nguy cơ đối mặt với các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Để tránh tai nạn tương tự, cha mẹ không nên cho trẻ ngậm đồ chơi, không cho trẻ chơi những món đồ có thể bỏ được vào miệng; không cho trẻ ăn những thức ăn dễ hóc như hạt lạc, hạt dưa, hướng dương… Nếu trẻ bị hóc nghẹn sặc hay nghi ngờ bị hóc không được dùng tay móc họng trẻ vì sẽ vô tình đẩy dị vật vào sâu hơn, người lớn cần tìm hiểu và nắm các phương pháp sơ cứu khi trẻ bị hóc dị vật, phải đưa đến bệnh viện ngay để được kiểm tra và điều trị kịp thời.