Trẻ bị viêm phổi kéo dài, coi chừng dị vật đường thở

(Dân trí) - Viêm phổi liên tục tái diễn, điều trị kháng sinh không mang lại kết quả, tình trạng khó thở ở bệnh nhi ngày càng nặng. Tại bệnh viện, bác sĩ phát hiện hạt đậu phộng đang bít gần hết phế quản thùy dưới phổi trái của bệnh nhi.

Đó là trường hợp của bé gái 3 tuổi, ngụ tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An vừa được tiếp nhận, điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố. Cháu nhập viện trong tình trạng khó thở, mệt nhiều.

Thông tin từ gia đình cho biết, trước đó bệnh nhi đã nhiều lần đến bệnh viện địa phương thăm khám, được chẩn đoán bị viêm phổi, theo dõi suyễn. Cháu được điều trị bằng xông thuốc, sử dụng kháng sinh nhưng quá trình điều trị không mang lại kết quả.

Trẻ bị viêm phổi kéo dài, coi chừng dị vật đường thở - 1
Hạt đậu phộng nằm trong lòng phế quản thùy dưới phổi trái của bệnh nhi trên hình ảnh camera nội soi

Thấy con ngày càng khó thở, mệt nhiều hơn nên người mẹ quyết định đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố kiểm tra. Trên phim chụp X-quang phổi thẳng, bác sĩ không phát hiện dị vật. Tuy nhiên, phổi trái của bệnh nhi có dấu hiệu ứ khí khu trú kèm theo hội chứng xâm nhập khá rõ được ghi nhận.

Khai thác kỹ bệnh sử của bé, người mẹ cho biết, khoảng 2 tháng trước trong lúc ăn hạt đậu phộng bé bị ho sặc, có ói ra một số hạt đã nhai vỡ. Bắt đầu từ thời điểm trên, bệnh nhi có dấu hiệu khò khè, khó thở, tình trạng diễn tiến ngày càng nặng dần. Các bác sĩ đã thuyết phục gia đình thực hiện phương pháp nội soi kiểm tra đường thở để tránh nguy hiểm tính mạng do dị vật cho bệnh nhi.

Trẻ bị viêm phổi kéo dài, coi chừng dị vật đường thở - 2
Dị vật gây khó thở, viêm phổi tái diễn kéo dài ở bệnh nhi được bác sĩ gắp ra từ đường hở

Trên hình ảnh camera nội soi, TS.BS Trịnh Hồng Nhiên, Trưởng khoa Hô Hấp phát hiện có hạt đậu phộng kích thước khoảng 5mm, gần bít lòng phế quản thùy dưới phổi trái của bệnh nhi. Bằng dụng cụ chuyên khoa, bác sĩ đã gắp thành công hạt đậu phộng ra khỏi đường thở cho bé. Sau nội soi, sức khỏe của bé dần ổn định, phổi hết ứ khí, viêm phổi cải thiện và đáp ứng kháng sinh điều trị hiệu quả.

Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần để ý đến con, tránh cho bé ăn các loại thực phẩm dễ gây hóc, nghẹt đường thở như các loại hạt, thạch, những loại trái cây có hạt nhỏ... Khi trẻ đang chơi, đang ăn đột nhiên ho, sặc sụa, tím tái, khó thở, ngạt thở có đột ngột phải nghĩ ngay tới tình huống trẻ bị hóc sặc dị vật. Cần đưa trẻ đi khám chuyên khoa khi có biểu hiện ho khò khè, khó thở lâu ngày.

Vân Sơn